Phán quyết gây sốc khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi nhiệm

18/08/2024 06:59:24

Hôm 14-8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã bị bãi nhiệm vì vi phạm hiến pháp trong một phán quyết gây sốc của tòa án. Diễn biến mới nhất này cho thấy bối cảnh chính trị của Thái Lan chứa đựng những biến động.

Phán quyết gây sốc khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi nhiệm
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trả lời phóng viên báo chí trước trụ sở Chính phủ ở Bangkok hôm 14-8-2024

Tòa án Hiến pháp tại Bangkok đã ra phán quyết, ông Srettha, chính trị gia xuất thân từ “ông trùm” bất động sản, đã vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức theo Hiến pháp của đất nước. Việc Thủ tướng Srettha bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng dù biết rằng ông này không đủ điều kiện giữ chức vụ chính trị, là hành vi phạm đạo đức nghiêm trọng và bị Hiến pháp nghiêm cấm. Có 5/9 thẩm phán của tòa án đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Srettha và nội các của ông.

Trong khi đó, ông Srettha khẳng định việc bổ nhiệm ông Pichit (người từng bị tù ngắn hạn vì tội khinh thường tòa án năm 2008 liên quan đến cáo buộc hối lộ nhân viên tòa án) là hoàn toàn hợp pháp. Phát biểu với các phóng viên sau quyết định của tòa án, ông Srettha cho biết đã thực hiện trọng trách Thủ tướng tốt nhất có thể và “chấp nhận phán quyết”. Ông cũng không chắc liệu chính phủ tiếp theo có tiếp tục các chính sách của mình hay không.

Ưu tiên của ông Srettha kể từ khi nhậm chức là cải thiện nền kinh tế của đất nước. Nhà lãnh đạo này đã giới thiệu một chương trình phát tiền ví kỹ thuật số trị giá 500 tỷ baht (13,8 tỷ USD) mà ông cho biết sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy chi tiêu ở các khu vực kém phát triển, nhưng kế hoạch này vẫn chưa kịp triển khai. Thủ tướng Srettha cũng đặt mục tiêu thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn và trở thành trung tâm du lịch toàn cầu, mở rộng chính sách miễn thị thực và công bố kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Các cuộc thăm dò cho thấy, uy tín của Thủ tướng Srettha đã giảm trong những tháng gần đây. Lý do là các chính sách kinh tế quan trọng của ông đã vấp phải sự phản đối và bị chậm trễ. Nhưng phán quyết hôm 14-8 đã gây sốc cho các nhà phân tích chính trị, những người tin rằng tòa án sẽ đứng về phía Thủ tướng. “Phán quyết này bất ngờ vì nó chỉ ra những can thiệp tư pháp chưa từng có để thiết lập các hướng đi chính trị. Đầu tiên là giải tán đảng Tiến lên và bây giờ là cách chức Thủ tướng Srettha trong vòng 1 tuần” - Giáo sư Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn nhận định. Phán quyết được đưa ra 1 tuần sau khi tòa án giải tán đảng Tiến lên (đảng đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử năm ngoái) và cấm các nhà lãnh đạo đảng này tham gia chính trường trong 10 năm.

Diễn biến mới nhất này cho thấy, bối cảnh chính trị của Thái Lan sẽ còn nhiều biến động. Trong đó, những nhà lãnh đạo hướng tới sự thay đổi lớn có thể vấp phải sự phản đối của giới cầm quyền, một nhóm nhỏ nhưng có quyền lực gồm giới tinh hoa quân sự, bảo hoàng và doanh nghiệp. Ở trường hợp ông Srettha, ông được bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng vào tháng 8-2023, chấm dứt 3 tháng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử của Thái Lan năm 2023. Tuy nhiên, đảng Pheu Thai của ông đã phải bắt tay liên minh cầm quyền với các đối thủ quân sự lâu năm. Vụ kiện chống lại ông Srettha được đệ trình vào tháng 5, do một nhóm gồm 40 cựu thượng nghị sĩ được quân đội bổ nhiệm khởi xướng.

Ngày 16-8, chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi nhiệm, bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi) đã trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử Chính phủ Thái Lan dưới chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng sự sụp đổ của ông Srettha sau chưa đầy 1 năm tại vị là lời nhắc nhở với bà Paetongtarn khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Thái Lan.

Nguồn: CNN

Theo Yến Chi (An Ninh Thủ Đô)