Phẫn nộ với ‘tiểu xảo’ của các công ty để ép nhân viên nghỉ việc

18/09/2023 11:05:12

Để không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng lao động, những công ty này đã sử dụng nhiều biện pháp cực đoan để áp đặt cho nhân viên nhằm mục đích tránh phải đền bù khi những người này nghỉ việc.

Phẫn nộ với ‘tiểu xảo’ của các công ty để ép nhân viên nghỉ việc
Các công ty ở Trung Quốc thành lập cái gọi là “nghĩa địa việc làm”, nơi họ sẽ gửi nhân viên mà họ muốn sa thải tới với hy vọng những người này sẽ từ chức do điều kiện làm việc khắc nghiệ. Ảnh: SCMP

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, các doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tìm ra một cách mới để sa thải nhân viên của mình mà không vi phạm những điều luật trong hợp đồng lao động nhằm tránh việc đền bù theo luật pháp bằng cách đưa những nhân viên này đến một nơi mà họ vẫn gọi là “nghĩa địa việc làm.”

Chiến lược “ranh ma” này khiến những người nhân viên sắp bị sa thải, hoặc cố tình chống lại việc từ chức sẽ phải đi đến các cơ sở xa xôi do công ty thuê làm địa điểm để làm việc. Tại đây, ngoài việc người lao động phải đi quãng đường rất xa xôi, họ còn phải đối mặt với điều kiện làm việc vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất cũng như việc giám sát vô cùng ngặt nghèo của người quản lý.

Dù những người nhân công có cố gắng đến được nơi làm việc, lao động một cách chăm chỉ nhưng họ vẫn sẽ không tránh được sự “soi mói” của các "sếp" nhằm cố tìm ra những bằng chứng thuận lợi cho việc chấm dứt hợp đồng lao động mà không gây tổn thất cho công ty, báo SCMP đưa tin.

Ngoài ra, việc này cũng nhằm gây khó khăn buộc người lao động sẽ phải nghỉ việc vì bất mãn với công ty. Việc này nghiễm nhiên khiến phía người thuê lao động sẽ không phải đền bù cho các nạn nhân như trong hợp đồng được kí ban đầu.

Theo các điều luật thuê lao động ở Trung Quốc, các công ty sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho những nhân viên bị cho thôi việc ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như thời gian công tác của họ.

Phẫn nộ với ‘tiểu xảo’ của các công ty để ép nhân viên nghỉ việc - 1
Một nam nhân viên của "nghĩa địa việc làm" đã phải dựng lều ngay trong văn phòng để tránh việc phải đi lại xa xôi. Ảnh: Baidu.

Vào ngày 1/9, một lập trình viên là nạn nhân của chiến lược này với tên gọi Aju cũng đã đăng tải đoạn video lên nền tảng Douyin kể chi tiết về trải nghiệm tại “nghĩa địa việc làm” của anh.

Theo Aju, ngân hàng nơi anh đang làm việc đang trong quá trình tinh giảm biên chế do lợi nhuận bị sụt giảm. Vì vậy anh đã bị điều chuyển đến làm việc tại vùng biên giới Thâm Quyến và Huệ Châu, hai thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng ngày Aju sẽ phải di chuyển 100km cả đi lẫn về nếu muốn tới nơi làm việc.

Người này không chỉ phải chịu một lịch trình làm việc đầy gian khổ để viết mã lập trình trên…giấy mà còn bị camera an ninh của công ty giám sát liên tục 24/24. Nếu như Aju không hoàn thành công việc đúng hạn, đồng nghĩa với việc anh sẽ phải nhận email cảnh báo và cuối cùng sẽ dẫn đến việc cho thôi việc.

Trong khi đó, một nạn nhân khác của chiến lược “nghĩa địa việc làm” có biệt danh Honest Guy cũng đã kể về công ty nơi anh làm việc đã cố khiến anh từ chức bằng cách ép anh tham gia vào một chương trình đào tạo kéo dài 3 tháng và cách nhà anh 600km.

Người chủ chỉ chi trả cho anh vé máy bay một chiều và chi phí ăn ở trong 3 ngày nên những khoản chi phí còn lại anh sẽ phải tự móc tiền túi ra chi trả.

Tuy nhiên, cái gọi là chương trình đào tạo đó thực chất chỉ là một “lớp vỏ ngụy trang” khi bản chất là các nhân viên sẽ phải nghiên cứu các nội quy và điều lệ của công ty trong khi bị camera giám sát liên tục theo dõi và nhắc nhở.

Phẫn nộ với ‘tiểu xảo’ của các công ty để ép nhân viên nghỉ việc - 2
Những tiểu xảo của các công ty nhằm sa thải nhân viên cư dân mạng đại lục lên án. Ảnh: Shutterstock

Honest Guy đã đặt biệt hiệu cho nơi làm việc của mình là “căn phòng nhỏ đen tối” sau khi anh phải dựng lều trong chính nơi làm việc của mình để làm chỗ ăn ngủ nhằm tránh phải đi lại.

Những câu chuyện về những nạn nhân của “nghĩa trang nhân viên” sau khi đăng tải đã khiến cư dân mạng Trung Quốc vô cùng giận dữ và hoài nghi về những điều khoản trong các bản hợp đồng lao động.

“Chuyện gì đang xảy ra ở cái thế giới này vậy? Giờ người ta có cần phải vượt qua kỳ thi lấy bằng luật sư trước khi đi xin việc hay không?” Một cư dân mạng bức xúc chia sẻ.

QT (SHTT)