Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một người đàn ông thiểu năng trí tuệ ở Trung Quốc đã bị một thẩm mỹ viện lừa mất 600.000 nhân dân tệ (2 tỷ đồng) tiền tiết kiệm mà ông đã ki cóp suốt từ trước tới nay.
Cụ thể, người đàn ông 62 tuổi họ Nhậm (Ren), đến từ Thượng Hải, Trung Quốc mắc chứng rối loạn nhận thức từ lâu, một căn bệnh khiến ông không thể giao tiếp bình thường được với người ngoài và chỉ sống được nhờ sự chăm sóc của chị gái ruột của mình.
Tuy nhiên, trong một lần kiểm tra lại tài chính của em trai mình, chị gái ông Nhậm bất ngờ phát hiện ra rằng Tập đoàn thẩm mỹ Văn Phụng (Wenfeng) đã có 50 lần thanh toán giao dịch khiến người đàn ông 62 tuổi hiện đang lâm cảnh nợ nần.
Theo SCMP, ông Nhậm lần đầu tiên đến một cơ sở thẩm mỹ của tập đoàn là vào tháng 11/2021 để cắt tóc. Sau khi được các nhân viên tư vấn giới thiệu và thuyết phục, ông Nhậm đã mở tài khoản ở đây và chuyển giao số tiền đầu tiên là 11.000 nhân dân tệ (37 triệu đồng).
Ngay sau đó, một nhân viên của tập đoàn có tên Ánh Ánh (Yingying) đã khuyến khích ông Nhậm nạp thêm vào tài khoản 5.000 nhân dân tệ (16 triệu đồng) để tiếp tục sử dụng dịch vụ. Ngoài Ánh Ánh, được biết hai người quản lý khác là Thụy Thụy (Ruirui) và Lê Cầm (Li Qin) cũng yêu cầu ông tiếp tục chuyển tiền vào thẻ dịch vụ để chi tiêu.
Theo đoạn video giám sát tại thẩm mỹ viện cho thấy, những người này biết ông Nhậm không thể trả lời họ bằng cách viết ký tự tiếng Trung trên WeChat (nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc) nên đã thúc giục ông đến tiệm thẩm mỹ.
Họ viết cho Nhậm trên WeChat: “Nếu bạn có thể đến, bạn có thể đáp lại bằng gửi hai kí tự bông hồng”.
Tính đến tháng 12/2020, số tiền người đàn ông đã chuyển vào tài khoản của thẩm mỹ viện đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 117.000 nhân dân tệ (392 triệu đồng). Có lần, chỉ trong một ngày, ông Nhậm đã phải trả 20.000 nhân dân tệ tiền mặt (67 triệu đồng) cho những dịch vụ vô ích.
“Một nhân viên đã đi cùng em trai tôi đến cây ATM gần đó để rút tiền”, chị gái của ông Nhậm cho biết.
Sau khi chi nhánh này đóng cửa, một chi nhánh khác đã tiếp quản tư cách thành viên của ông Nhậm và ông vẫn là mục tiêu để các nhân viên lừa đảo. Vào tháng 4 năm nay, một trong số các nhân viên đã giúp ông mở dịch vụ cho vay trực tuyến trên điện thoại để ông có thể tiếp tục nạp tiền cho thẩm mỹ.
Khi chị gái ông Nhậm yêu cầu Văn Phụng trả lại số tiền chiếm đoạt của em trai cô, một nhân viên tên Cương (Jiang) chỉ đồng ý trả lại 280.000 nhân dân tệ (939 triệu đồng) và khẳng định ông Nhậm có khả năng đưa ra các quyết định về việc chi tiêu của mình cho dù tình trạng sức khỏe của ông không được tốt.
Câu chuyện của ông Nhậm sau khi được đăng tải đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội đại lục với đa số ý kiến đều tỏ ra rất bất bình với hành vi của thẩm mỹ viện.
“Đó chắc chắn là lũ lừa đảo,” một người nói.
"Thật tồi tệ! Hai ông bà nên nhờ đến sự can thiệp của pháp luật”, một người khác nói.
Những câu chuyện lừa đảo về sức khỏe và sắc đẹp lâu nay vẫn thường xuyên gây được sự chú ý của công chúng ở đại lục.
Vào đầu năm, một người đàn ông ở miền đông Trung Quốc có thị lực kém đã xuất hiện trên truyền hình sau khi một thẩm mỹ viện lừa anh ta trả 10.000 nhân dân tệ (33 triệu đồng) cho một lần cắt tóc với giá thông thường là 20 nhân dân tệ (67.000 đồng) và ép anh phải viết giấy vay tiền tại chỗ để trả hóa đơn.
Hay vào tháng 3 năm ngoái, có thông tin cho rằng một phụ nữ Thượng Hải đã nghỉ hưu cũng đã bị lừa mất 1,5 triệu nhân dân tệ (5 tỷ đồng) trong 4 năm và mắc nợ sau khi mua phải các dịch vụ y tế giả.
QT (SHTT)