Điểm lạ trong chuyến thăm của ông Tập
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin, từ ngày 22 đến ngày 25/3, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến Doãn Lực và Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến Vương Ninh đã đến thăm các địa phương trong tỉnh như Nam Bình, Tam Minh, Phúc Châu.
Vào sáng 25/3, ông Tập Cận Bình nghe báo cáo công tác của Tỉnh ủy Phúc Kiến và chính quyền tỉnh. Bản tin tổng kết do Tân Hoa xã đưa ra chiều cùng ngày đồng nghĩa với việc chuyến thăm Phúc Kiến của ông Tập đã kết thúc.
Đáng chú ý, trong bản tin của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc, không hề đề cập đến việc ông Tập có thăm các đơn vị bộ đội tại đây hay không và cũng không có quân nhân cấp cao trong danh sách đoàn công tác.
Theo Tân Hoa Xã, đoàn tháp tùng từ trung ương về Phúc Kiến của ông Tập còn có Chủ nhiệm Văn phòng trung ương kiêm Ủy viên Bộ chính trị ĐCSTQ Đinh Tiết Tường, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Trưởng ban Tổ chức trung ương Trần Hy và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Hà Lập Phong cùng các "đồng chí phụ trách đơn vị liên quan của trung ương".
Như vậy có nghĩa trong chuyến thăm Phúc Kiến lần này, ông Tập đã không đi khảo sát doanh trại quân đội, hoặc ít nhất là không công khai.
Trước đây, điểm dừng chân cuối cùng trong các chuyến thị sát địa phương của ông Tập thường là các đơn vị quân đội đồn trú tại địa phương, điều này đã trở thành một thông lệ.
"Thiện chí gửi tới Đài Loan"
Phúc Kiến vốn là tỉnh gần Đài Loan nhất của Trung Quốc đại lục. Tỉnh này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao lưu xuyên eo biển mà còn là tiền tuyến quân sự của đại lục với Đài Loan. Tập đoàn quân 73 thuộc Chiến khu miền Đông được triển khai tại Phúc Kiến là đơn vị duy nhất đối diện với eo biển Đài Loan của Đại lục. Bộ chỉ huy đóng tại Hạ Môn, Phúc Kiến, là lực lượng tiền tuyến phụ trách các sự vụ phòng thủ eo biển Đài Loan. Ví dụ, nếu chiến sự xảy ra, đây sẽ là lực lượng "tiên phong tấn công Đài Loan".
Theo giới quan sát, trước tình hình căng thẳng giữa hai bờ eo biển, ông Tập thăm Phúc Kiến nhưng không thăm “lực lượng tiền tuyến phòng thủ eo biển” (ít nhất là hiện nay chưa có báo cáo công khai), ông cũng không có bài phát biểu nào liên quan tới vấn đề Đài Loan cho thấy, Bắc Kinh dường như đang phát đi một tín hiệu "thiện chí" với Đài Bắc, chí ít là cố gắng tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ hai bờ eo biển.
Tuy nhiên, theo báo tiếng Hoa Đa chiều, trong báo cáo của phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc, chuyến thăm Phúc Kiến lần này của ông Tập có nội dung liên quan đến Đài Loan và quan hệ hai bờ eo biển.
"[Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu Phúc Kiến] thực hiện những bước tiến lớn hơn trong việc khám phá con đường mới của hòa hợp và phát triển hai bờ eo biển" hay "cần thúc đẩy sự hòa hợp bằng sự thông hiểu, ân tình, tình cảm, mạnh dạn khám phá con đường mới trong hòa hợp, phát triển hai bờ eo biển", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Rõ ràng, "thúc đẩy hòa bình phát triển quan hệ hai bờ" trong báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc tại kỳ hợp Lưỡng hội vừa qua vẫn là trọng tâm trong chính sách liên quan đến Đài Loan của Bắc Kinh. Dù vậy, Trung Quốc đại lục vẫn luôn nhấn mạnh sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.
Theo An An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)