Bên cạnh đó, hãng dược phẩm cho biết đang "trong quá trình thảo luận" với các cơ quan kiểm định về khả năng nghiên cứu một phiên bản cải tiến vaccine của hãng để chống biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, vốn khiến giới khoa học lo ngại sẽ làm giảm hiệu quả của các loại vaccine.
Pfizer nói chưa có bằng chứng cho thấy vaccine của hãng hiệu quả kém hơn trước các biến chủng, tuy vậy cũng chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp bằng chứng xuất hiện.
Hãng dược đang bắt đầu nghiên cứu phát triển liều vaccine thứ ba cho những người đã tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine ở giai đoạn một. Liều thứ ba dự kiến sẽ được tiêm từ 6-12 tháng sau hai liều đầu.
Phát triển liều thứ ba cho một vaccine đã lưu hành trên thị trường sẽ tránh được việc phải nghiên cứu và sản xuất một loại vaccine cải tiến.
"Dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng về việc các biến chủng đang lây lan khiến vaccine của chúng tôi mất đi sự bảo vệ, chúng tôi đã có những động thái dứt khoát và sẵn sàng trong trường hợp một chủng virus kháng vaccine," giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những đầu tư thích hợp và tham gia đối thoại với các cơ quan kiểm định để giúp chúng tôi có thể phát triển và xin cấp phép cho vaccine mRNA cải tiến, hay liều bổ sung cho vaccine nếu cần," ông Bourla cho biết thêm.
Các nghiên cứu phòng thí nghiệm cho thấy vaccine của Pfizer và Moderna giúp sản sinh ít kháng thể hơn trước biến chủng Covid-19 ở Nam Phi, tuy vậy chưa rõ điều này ảnh hưởng tới tính hiệu quả như thế nào.
Hai hãng dược đều cho rằng vaccine của họ vẫn có thể bảo vệ con người trước biến thể này, tuy vậy cũng đã chuẩn bị các phương án dự phòng.
Moderna hôm 24/02 cho biết đã gửi các liều vaccine cải tiến chống biến thể Nam Phi tới Viện Y tế Quốc gia Mỹ để nghiên cứu.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)