Ông Trump ra lệnh không kích rung chấn nước 19 triệu dân: Hé lộ lời cầu khẩn giờ chót và thỏa ước ngàn đô

11/02/2025 08:04:29

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi mệnh lệnh không kích đầu tiên nhằm vào mục tiêu "đang đe dọa Mỹ và đồng minh". Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tìm thấy và tiêu diệt các người".

Mệnh lệnh không kích đầu tiên của ông Trump

Hãng tin BBC (Anh) ngày 10/2 đăng bài viết cho hay, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, ông đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một số cá nhân thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong ngày 1/2/2025, chỉ 11 ngày sau khi nhậm chức.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: "Những kẻ giết người này, những kẻ mà chúng tôi phát hiện đang ẩn náu trong các hang ổ, đã đe dọa Mỹ và các đồng minh của Washington… Các cuộc không kích của chúng tôi đã phá hủy hang ổ mà chúng giấu mình và tiêu diệt được nhiều tên khủng bố mà không hề gây hại cho dân thường dưới bất cứ hình thức nào".

"Quân đội Mỹ đã nhắm mục tiêu vào kẻ lên kế hoạch cho IS trong nhiều năm, nhưng ông Biden và những người thân cận đã không hành động đủ nhanh để hoàn thành mục tiêu này. Còn tôi đã làm được!", ông Trump tuyên bố "Gửi tới IS và tất cả những kẻ muốn tấn công nước Mỹ: Chúng tôi sẽ tìm thấy các người, và chúng tôi sẽ tiêu diệt các người".

Ông Trump ra lệnh không kích rung chấn nước 19 triệu dân: Hé lộ lời cầu khẩn giờ chót và thỏa ước ngàn đô
Ông Trump đã phát lệnh không kích các phần tử IS tại Somalia ngày 1/2/2025. Ảnh: Politico

Đây vừa là chiến dịch tấn công quân sự lớn đầu tiên mà ông Trump ra lệnh tiến hành trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, cũng là cuộc không kích đầu tiên của Mỹ tại châu Phi trong giai đoạn này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết, cuộc không kích của Bộ Tư lệnh châu Phi đã được ông Trump chỉ đạo, phối hợp với chính phủ Somalia. Theo đánh giá ban đầu của Lầu Năm Góc, nhiều phần tử khủng bố đã thiệt mạng và không có dân thường nào bị thương.

Trước đó, các quan chức quân sự Mỹ cảnh báo, các phần tử IS đã nhận được sự chỉ đạo và dẫn dắt từ một nhóm đầu sỏ di dời tới bắc Somalia. 

Chúng được chỉ cách bắt cóc các công dân phương Tây để đòi tiền chuộc, cách học các chiến thuật quân sự tinh vi hơn, cách ẩn náu trước máy bay không người lái, và tự chế tạo quadcopter (loại máy bay không người lái trang bị 4 cánh quạt).

Chi nhánh IS ở Somalia nổi lên vào năm 2015 như một phái ly khai khỏi al-Shabab (chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Đông Phi) và hoạt động tích cực nhất tại Puntland, đặc biệt là ở dãy núi Galgala – nơi chúng thiết lập trại huấn luyện và hoạt động dưới quyền của viên chỉ huy mang tên Abdulkadir Mumin.

Mặc dù có ảnh hưởng tương đối hạn chế so với al-Shabab nhưng IS ở Somalia đã tham gia vào các cuộc tấn công tại miền nam và miền trung nước này. Chúng kiếm tiền thông qua các hoạt động tống tiền, buôn lậu và đánh thuế bất hợp pháp, đặc biệt là ở một số khu vực ven biển, nơi chúng tìm cách kiểm soát các doanh nghiệp địa phương.

Ông Trump ra lệnh không kích rung chấn nước 19 triệu dân: Hé lộ lời cầu khẩn giờ chót và thỏa ước ngàn đô - 1
Dãy núi nơi các phần tử IS ẩn náu ở Somalia. Ảnh: BBC

Theo Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, số lượng phần tử khủng bố IS ở Somalia ước tính lên tới hàng trăm tên, chủ yếu phân bổ ở dãy Cal Miskaat, thuộc vùng Bari của Puntland. Mặc dù phải đối mặt với áp lực chống khủng bố lớn từ lực lượng an ninh Somalia trong thời gian qua, nhưng nhánh IS này vẫn tiếp tục hoạt động tại khu vực thành thị và các vùng xa xôi, tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các hoạt động tuyển mộ và tuyên truyền.

Đáng lưu ý, cuộc tấn công do ông Trump chỉ đạo diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ Tư lệnh miền trung của Mỹ tiến hành cuộc không kích vào tây bắc Syria, giết chết một thành viên cấp cao của Hurras al-Din, chi nhánh của al-Qaeda tại đây.

Ngoài ra, chiến dịch chống khủng bố của Lầu Năm Góc tại châu Phi đang trở nên căng thẳng sau khi hai đối tác chính của Washington là Chad và Niger đã "trục xuất" lực lượng Mỹ vào năm ngoái, đồng thời tiếp quản các căn cứ quan trọng mà quân đội Mỹ sử dụng để huấn luyện, cũng như tiến hành nhiệm vụ chống lại các nhóm khủng bố trên khắp Sahel – vùng đất khô cằn rộng lớn ở phía nam sa mạc Sahara.

Đoạn video về cuộc không kích của Mỹ vào Somalia đã được Lầu Năm Góc công bố.

Văn phòng Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud hoan nghênh cuộc không kích của ông Trump và nhấn mạnh hoạt động này "đã củng cố mối quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ" giữa hai nước trong "cuộc chiến chống lại các mối đe dọa cực đoan".

Hai ngày sau cuộc không kích của Mỹ (3/2), tờ Aljazeera cho biết, chỉ huy cấp cao của IS tại Somalia Abdirahman Shirwac Aw-Saciid đã ra đầu hàng chính quyền.

Tới ngày 7/2, theo hãng tin Reuters (Anh), sau nhiều nỗ lực tấn công, các lực lượng an ninh từ Puntland đã giành lại được nhiều địa bàn từ tay IS.

Quyết định gây kinh ngạc

Theo BBC, việc Somalia – quốc gia với hơn 19 triệu dân - trở thành mục tiêu của chiến dịch quân sự lớn đầu tiên do Mỹ tiến hành dưới thời chính quyền mới đã khiến nhiều người nước này ngạc nhiên vì trước đó họ lo ngại Washington "đang có kế hoạch bỏ rơi mình".

Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã rút khoảng 700 quân Mỹ khỏi Somalia (quyết định sau đó được Tổng thống Biden "đảo ngược").

Thỏa thuận trị giá 600.000 USD/năm mà chính phủ Somalia vừa ký với BGR Group - công ty vận động hành lang hàng đầu của Washington – đã cho thấy mức độ lo lắng của giới cầm quyền nước này.

Ông Trump ra lệnh không kích rung chấn nước 19 triệu dân: Hé lộ lời cầu khẩn giờ chót và thỏa ước ngàn đô - 2
Lực lượng an ninh ở Somalia hy vọng cuộc không kích của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ mới "sẽ không phải là một lần duy nhất". Ảnh: Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ

Đáng nói, chỉ 1 ngày trước cuộc không kích của Mỹ, tờ Washington Post đã đăng tải cuộc phỏng vấn với Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud, trong đó ông "khẩn cầu Mỹ không rút các cố vấn và chuyên gia tư vấn người Mỹ đang hỗ trợ huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Somalia".

Bài đăng trên mạng xã hội X của Văn phòng ông Mohamud sau cuộc không kích của Mỹ cũng thể hiện phần nào sự khẩn thiết này, song song với việc thừa nhận "sự ủng hộ không lay chuyển của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế", đồng thời "hoan nghênh cam kết liên tục dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Donald Trump".

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, duy trì các cuộc không kích khác với việc duy trì lực lượng quân sự trên bộ. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump không hề dừng các cuộc không kích tương tự tại Somalia. Trên thực tế, ông đã tăng số lượng các cuộc không kích trong giai đoạn này lên 400 cuộc.

Ông Matt Bryden, cố vấn chiến lược của tổ chức nghiên cứu Sahan Research (trụ sở tại Nairobi, Kenya) nhận định, tiến hành các cuộc không kích không đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sẽ tăng cường sự can dự quân sự ở Somalia.

Theo ông, một số quan chức Mỹ dự kiến đảm nhận các vị trí lãnh đạo về châu Phi không còn coi chính phủ Somalia là đối tác đáng tin cậy, thậm chí "chỉ trích gay gắt 'mức hỗ trợ an ninh cao nhưng không mang lại hiệu quả đáng kể' mà chính quyền cũ của Mỹ đã cung cấp cho quốc gia châu Phi này trong những năm gần đây".

Theo Nhật Minh (nguoiduatin.vn)