Ông Trump tỏ ý rút quân quá vội vàng?
Nhận định trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), giáo sư về hưu Michael Heng cho rằng việc Mỹ rút hiện diện quân sự tại Hàn Quốc - nếu hiện thực hóa - sẽ thúc đẩy vũ trang hạt nhân giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giúp giảm nguy cơ xung đột vũ trang trên bán đảo - một tín hiệu tốt cho hòa bình, đồng thời là thắng lợi lớn cho Bình Nhưỡng về mặt ngoại giao và hình ảnh quốc tế, cũng như các cấm vận kinh tế được nới lỏng nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo ông Heng, tuyên bố chung Mỹ-Triều dù mang tính lịch sử nhưng chỉ lặp lại những cam kết tương tự mà Bình Nhưỡng đã đưa ra nhiều lần kể từ năm 1992 về việc "hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo".
Cây viết Nicholas Kristof của New York Time chỉ ra, tuyên bố chung "không đề cập gì việc Triều Tiên đóng băng chương trình plutonium và uranium, không có gì về tiêu hủy các tên lửa đạn đạo liên lục địa, cho phép thanh sát viên trở lại bãi thử hạt nhân, không nhắc đến việc Triều Tiên ra tuyên bố đầy đủ về chương trình hạt nhân của họ, không có gì về thời gian biểu, cách thức xác nhận hay thậm chí không có cam kết rõ ràng nào về [Triều Tiên] đình chỉ vĩnh viễn việc thử tên lửa tầm xa cùng vũ khí hạt nhân".
Tổng thống Trump ngày 21/6 khẳng định Bình Nhưỡng đã đồng ý bắt đầu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" ngay lập tức, trong khi Bộ trưởng quốc phòng James Mattis nói không có tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có hành động cụ thể để phá bỏ những cơ sở hạt nhân hay thúc đẩy phi hạt nhân hóa.
"Chuông cảnh báo" cho Nhật-Hàn
Trong tình hình như vậy, các đồng minh của Mỹ - đặc biệt là Nhật và Hàn Quốc - tỏ ra lúng túng và bất an về liên minh quân sự khi ông Trump bất ngờ đề cập mong muốn rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Hàn Quốc sau hội nghị với ông Kim.
Đây là nước đi chiến lược mà Lầu Năm Góc bác bỏ trong nhiều năm, bất chấp Triều Tiên liên tục gửi yêu sách.
Giáo sư Heng bình luận, Mỹ rút quân sẽ gióng lên "hồi chuông báo động" với Nhật, và Tokyo hiểu rằng hiện thực chính trị còn quan trọng hơn những hứa hẹn hay hiệp ước.
Trong trường hợp Nhật bị đe dọa, gánh nặng sẽ dồn vào chính họ, và Tokyo không có cách nào ngoài tự thân xây dựng ô hạt nhân của mình.
Thiệt hại lớn nhất trong kịch bản Mỹ rút quân chính là Hàn Quốc. Triều Tiên với kho vũ khí hạt nhân hiện có đã đủ khả năng áp đặt các yêu sách lên Seoul không còn được bảo vệ, từ các điều khoản đàm phán về thống nhất hai miền đến vấn đề viện trợ kinh tế.
Trung Quốc trước hai quốc gia hạt nhân Triều Tiên-Nhật Bản
Bán đảo Triều Tiên tái thống nhất là điều có thể đến trong tương lai và trở thành một quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân. Ông Heng đánh giá, khó có khả năng một nhà nước hùng mạnh về kinh tế và quân sự như thế sẽ trở thành "láng giềng thân thiện" của Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh cũng là "kẻ thua cuộc" trong viễn cảnh Mỹ rút khỏi Hàn Quốc.
Những bước tiến ngoại giao nổi bật của Triều Tiên trong năm 2018 góp phần tạo bức tranh khu vực trái ngược hoàn toàn so với bầu không khí căng thẳng "bên miệng hố chiến tranh" năm 2017. Sách lược của ông Kim dường như đang vượt khỏi tầm nắm bắt của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Thêm vào đó, đối với Trung Quốc, không gì tồi tệ bằng sự trỗi dậy về sức mạnh hạt nhân của Nhật Bản khi Mỹ rút khỏi Hàn Quốc.
Như thế giới chứng kiến bước tiến hạt nhân đáng kinh ngạc của Triều Tiên năm ngoái, Nhật - vốn đã sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại - trong thời gian ngắn hơn hoàn toàn có thể xây dựng năng lực hạt nhân quân sự vượt qua nhu cầu phòng vệ và chế tạo thêm nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như các hệ thống phóng đầy sức mạnh.
Quân đội Mỹ-Hàn Quốc tập trận chung tháng 9/2017 |
"Bắc Kinh có lý khi lo ngại ý định bá quyền của Mỹ, nhất là khi nhìn vào 'bảng thành tích' của Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh," giáo sư Heng viết, "nhưng điều này không đồng nghĩa Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho Trung Quốc".
Theo ông, trên thực tế hiện diện quân sự Mỹ ở Đông Bắc Á đã tạo ra "hiệu ứng phụ tích cực" cho Trung Quốc, cụ thể là Nhật bị ràng buộc hết sức chặt chẽ với Điều 9 trong hiến pháp sau Thế chiến, cam kết nước này là quốc gia không sở hữu sức mạnh quân sự hạt nhân.
"Một loạt bước đi sai lầm theo sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore có thể khiến Đông Bắc Á trở thành một thùng thuốc súng," Heng nhận định. "Điều này hiển nhiên không có lợi cho Trung Quốc hay phần còn lại của châu Á và hòa bình thế giới".
Theo Hải Võ (Soha/Thời Đại)