Theo báo Anh Express, trên đây là đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích và cựu quan chức Mỹ. Theo họ, chính quyền ông Trump tập trung chủ yếu vào cấm vận và lên kế hoạch quân sự, trong khi dành rất ít thời gian vào chiến lược ngoại giao trong trường hợp đối thoại mở với Bình Nhưỡng.
Phản ứng trước đề nghị của chính quyền ông Kim Jong Un rằng Triều Tiên sẽ dừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an toàn, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ thấy. Họ dường như đang hoạt động tích cực nhưng rồi chúng ta sẽ thấy. Hy vọng sẽ đi đúng đường. Đúng đường là đường mà mọi người đều biết và mọi người đều muốn. Nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đi theo đường khác".
Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay không có đủ nhân viên ngoại giao cấp cao sau một loạt cắt giảm, và quan chức cao nhất phụ trách vấn đề Triều Tiên là Joseph Yun lại vừa rời vị trí. Mỹ cũng không có một vị đại sứ thường trực tại Hàn Quốc kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, sau khi Nhà Trắng rút đề cử dành cho nhà ngoại giao kỳ cựu Victor Cha.
Không có sự hiện diện của đại sứ ở Seoul và sự ra đi của một đặc phái viên kỳ cựu đã làm dấy lên lo ngại về tư thế của Mỹ sẵn sàng bước vào các cuộc đàm phán quan trọng.
Bác bỏ những lo lắng như trên, phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert giải thích: "Bộ Ngoại giao có 75.000 người đang làm việc cho chúng tôi trên khắp thế giới. Ý kiến cho rằng Đại sứ Yun là người duy nhất có thể xử lý vấn đề Triều Tiên là không đúng. Chúng tôi có rất nhiều người dày dạn kinh nghiệm".
Tuy nhiên, các quan chức cho rằng, chính quyền ông Trump đang xem xét bổ nhiệm các chuyên gia về Triều Tiên từ bên ngoài Bộ Ngoại giao để cung cấp chuyên môn trong trường hợp đàm phán tiến triển. Họ được cho là sẽ giải quyết các cuộc đàm phán chuyên môn trước khi Ngoại trưởng Tillerson tham gia ở cuối tiến trình.
Các cựu quan chức cũng bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận đàm phán của chính quyền ông Trump. Philip Yun, cựu quan chức Bộ Ngoại giao từng tham gia thương lượng với Triều Tiên thời Tổng thống Bill Clinton, chỉ rõ: "Vấn đề chính là chúng ta không biết chính sách của chính quyền hiện nay là gì".
Jenny Town, Trợ lý giám đốc Viện Mỹ - Triều tại Trường Các nghiên cứu quốc tế tiến bộ John Hopkins, thì tỏ ra nghi ngờ nỗ lực của Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis muốn thúc đẩy "áp lực kinh tế và cô lập ngoại giao tối đa". Bà cho rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực này sẽ tụt giảm.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)