Nếu mục đích chính của Donald Trump khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines là để tăng cường quan hệ với các quốc gia này thì chuyến công du của ông được đánh giá là rất thành công.
Thời gian của Tổng thống Mỹ ở châu Á đã làm tăng hình ảnh của ông như một nhà lãnh đạo thiện cảm, thậm chí hơn cả so với ở trong nước, nơi ông đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục.
Có thể thấy rõ vẻ dễ dàng làm kinh doanh ở nước ngoài của Tổng thống Trump – phù hợp với hình ảnh một người quyết định hợp đồng tầm cỡ quốc tế như ông đã quảng bá trong chiến dịch tranh cử - ngay từ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông, đó là tới Ảrập Xêút hồi tháng 5. Ở Riyadh, ông được các hoàng tử nước chủ nhà ngưỡng mộ, và được tiếp đón thịnh tình.
Theo hãng tin CNN, tới châu Á lần này, Tổng thống Trump cũng nhận được những tình cảm nồng nhiệt như vậy, với các nghi lễ đón tiếp rất trịnh trọng và những lời ca ngợi. Ngay cả Triều Tiên dường như cũng không nằm ngoài bầu không khí này. Tuy vẫn có những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Mỹ nhưng nước này cũng tỏ ra kiềm chế khi không thử bất kỳ tên lửa nào.
Các mối quan hệ gắn bó hơn
Tổng thống Trump bắt đầu hành trình bằng chặng dừng chân ở Tokyo – nơi Thủ tướng Shinzo Abe đón ông rất trịnh trọng, tặng ông những chiếc mũ truyền thống mang dòng chữ "Donald & Shinzo, make alliance even greater" (Donald & Shinzo, xây dựng liên minh lớn mạnh hơn), mời ông chơi golf và thết đãi ông món ăn ưa thích.
Thủ tướng Abe không tiếc lời khen ngợi ông Trump, nhấn mạnh rằng ông tin "chưa từng có mối quan hệ nào gần gũi giữa lãnh đạo hai nước như hiện nay trong lịch sử liên minh Mỹ - Nhật".
Ở Hàn Quốc, chặng dừng chân thứ 2 của ông Trump, mối quan hệ với Tổng thống Moon Jae-in có vẻ căng thẳng hơn. Ông Trump công khai chỉ trích ông Moon, và sự thiếu vắng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo đôi lúc dẫn tới cách nhìn nhận khác về chính sách đối với Triều Tiên – gây lo ngại ở Washington về sự bất đồng gia tăng với Seoul.
Tuy nhiên, khi họp báo chung với ông Moon, Tổng thống Trump đưa ra những ngôn từ hòa giải hơn. Ông nói mình thực sự tin "có ý nghĩa khi đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán và việc đạt thỏa thuận sẽ tốt cho cả người dân Triều Tiên lẫn thế giới".
Tại Trung Quốc, ông được trải thảm đỏ đón tiếp. Truyền thông Trung Quốc tỏ ra tích cực khi đưa tin về chuyến thăm, với một bài phân tích trên CCTV khẳng định Tổng thống Mỹ đã "cho Trung Quốc những gì Trung Quốc muốn, đó là sự tôn trọng trên trường quốc tế...". Ngôn từ của ông Trump về cách thức Bắc Kinh nên hành động để kiềm chế Triều Tiên cũng dịu nhẹ hơn.
Theo CNN, quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng được tăng cường sau chuyến công du này.
Vấn đề Triều Tiên
Trong chuyến công du, thương mại là một vấn đề chủ chốt đối với Tổng thống Mỹ, phản ánh bằng những ngôn từ mạnh mẽ của ông tại hội nghị APEC. Triều Tiên cũng là một vấn đề then chốt.
Trước chuyến công du của ông Trump, Harry Kazianis – Giám đốc phụ trách các nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích quốc gia – nhận định nghị trình "sẽ tập trung 90% vào Triều Tiên, 10% vào thương mại". Và dự đoán này có vẻ đúng.
Triều Tiên là chủ đề chi phối suốt tuần đầu tiên ông Trump ở châu Á. Cả Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon đều ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump với Bình Nhưỡng, và ở Bắc Kinh, ông nhắc lại cam kết của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Trump cũng không ngần ngại nói thẳng về Triều Tiên, cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong Un, trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc rằng "những vũ khí các bạn có không khiến các bạn an toàn hơn, mà chúng đặt chế độ của các bạn vào nguy hiểm". Tuy nhiên, ông không đi sâu vào vào những lời đe dọa hoặc chỉ trích mang tính cá nhân như trước đó.
Bê bối Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Mặc dù cuộc điều tra về mối quan hệ giữa bộ phận nòng cốt trong chiến dịch tranh cử của ông Trump với giới chức Nga gây ồn ào ở Mỹ, song nó không ảnh hưởng gì đến chuyến thăm thành công của ông ở Việt Nam.
Tại hội nghị dành cho các lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Trump thách thức các cơ quan tình báo Mỹ khi khẳng định ông tin lời của người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng Moscow không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)