Ông Trump đích thân yêu cầu Ukraine tổ chức bầu cử: Điều gì sẽ diễn ra với Tổng thống Zelensky?

19/02/2025 11:25:11

Tổng thống Trump đã yêu cầu Tổng thống Zelensky tổ chức bầu cử tại Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng ông Zelensky sẽ phải rời bỏ chức vụ như cái giá cho hòa bình - theo Telegraph.

Ông Trump đích thân yêu cầu Ukraine tổ chức bầu cử: Điều gì sẽ diễn ra với Tổng thống Zelensky?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tổ chức cuộc bầu cử có thể khiến ông phải rời khỏi chức vụ như cái giá cho hòa bình. Điều này cũng để ngỏ khả năng một ứng cử viên thân Nga có thể trở thành lãnh đạo tiếp theo của Ukraine, tờ báo của Anh bình luận.

Các phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio có cuộc gặp lần đầu tiên tại Arab Saudi hôm 18/2 để thảo luận về các điều khoản chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Sau hơn 4 giờ đàm phán, cả hai bên đều nhất trí rằng các cuộc bầu cử nên được tổ chức tại Ukraine trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.

Sau đó, Tổng thống Trump cho biết yêu cầu về một cuộc bầu cử tổng thống Ukraine do chính ông đề xuất.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, ông cho rằng cơ bản là Ukraine đang trong tình trạng thiết quân luật và chưa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.

"Nhà lãnh đạo ở Ukraine, tỷ lệ ủng hộ ông ấy đã giảm xuống 4%", ông nói thêm.

"Đó không phải là chuyện của Nga, đó là đề xuất đến từ tôi và đến từ nhiều quốc gia khác nữa", Tổng thống Mỹ nói.

Trước đó, hôm Chủ nhật (16/2), Thủ tướng Anh Keir Starmer đã kêu gọi Anh và các thành viên NATO khác gửi quân đến Ukraine để hoạt động với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình. Ông cũng cho biết sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO tại Paris hôm 16/2 rằng ông sẽ trao đổi với ông Trump về việc Mỹ cần đưa ra các đảm bảo an ninh khi đến thăm Mỹ.

Ông Trump cho biết việc cho phép châu Âu đưa quân đến Ukraine "sẽ ổn".

Ngày 19/2, Pháp sẽ tổ chức cuộc họp thứ hai để thảo luận về Ukraine và an ninh châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết các nhà ngoại giao từ phái đoàn Mỹ cũng đã đề xuất lệnh dừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga và Ukraine.

Một lệnh hoãn tương tự đã được thảo luận vào năm ngoái trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng Kiev đã từ chối tham gia đối thoại, ông Lavrov nói thêm.

Tổng thống Zelensky không được mời tham dự các cuộc đàm phán và có phản ứng gay gắt với cuộc họp giữa Nga và Mỹ tại Riyadh, cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt chiến tranh đều phải "công bằng" và có sự tham gia của các nước châu Âu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán.

Các cuộc đàm phán "không nên diễn ra sau lưng chúng tôi", ông nói thêm.

Trước đó, tờ Guardian (Anh) đưa tin cuộc đàm phán được cả Nga và Mỹ đánh giá là "diễn ra tốt đẹp" và "nghiêm túc".

Hai bên nhất trí chỉ định các nhóm cấp cao để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về Ukraine, "hợp tác làm việc trên con đường chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt theo cách thức lâu dài, bền vững và được tất cả các bên chấp thuận".

Cuối cùng, Mỹ và Nga sẽ xem xét "hợp tác trong tương lai về các vấn đề địa chính trị mà hai phía cùng quan tâm, cũng như các cơ hội kinh tế và đầu tư lịch sử sẽ xuất hiện sau khi chấm dứt thành công cuộc xung đột ở Ukraine".

Theo Minh Khôi (nguoiduatin.vn)

Nổi bật