Trả lời câu hỏi của phóng viên ở thời điểm chưa đầy hai tuần trước lễ nhậm chức, ông Trump để ngỏ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama và đảo Greenland. Một phái đoàn cố vấn và trợ lý của ông Trump, bao gồm con trai ông là Donald Trump Jr., hiện đang ở Greenland.
Đây được cho là lần đầu tiên một tổng thống đắc cử Mỹ công khai tuyên bố để ngỏ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để mở rộng lãnh thổ, trái ngược với chính sách tôn trọng quyền tự quyết mà Mỹ đã duy trì suốt nhiều thập kỷ.
"Tôi sẽ không cam kết điều đó," ông Trump trả lời khi được hỏi liệu ông có loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự. "Có thể Mỹ sẽ phải làm điều gì đó. Kênh đào Panama rất quan trọng với nước Mỹ. Chúng ta cũng cần Greenland vì mục tiêu an ninh quốc gia."
Đảo Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, đồng minh lâu năm của Mỹ và là một trong những thành viên sáng lập NATO. Ông Trump đặt ra nghi vấn về tính hợp pháp trong việc Đan Mạch kiểm soát Greenland. Mỹ có đặt một căn cứ quân sự lớn trên đảo, theo Reuters.
Mỹ hoàn thành xây dựng Kênh đào Panama năm 1914 và cùng nước này quản lý kênh đào trong nhiều thập kỷ. Năm 1979, Mỹ bàn giao Khu vực Kênh đào Panama cho Panama, sau đó chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát kênh đào cho nước này vào năm 1999.
Bình luận về tuyên bố của ông Trump trong cuộc phỏng vấn với kênh TV2, thủ tướng Đan Mạch gọi Mỹ là "đồng minh quan trọng nhất, thân cận nhất" của Đan Mạch, cho biết bà không tin Mỹ sẽ dùng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để chiếm quyền kiểm soát Greenland.
Bà Frederiksen nhắc lại rằng bà hoan nghênh Mỹ chú ý hơn tới khu vực Bắc Cực, nhưng lưu ý rằng nước này "cần phải làm điều này với sự tôn trọng dành cho người dân Greenland, đồng thời đảm bảo sự hợp tác giữa Mỹ và Đan Mạch".
Trước đó, ông Trump đăng video máy bay riêng hạ cánh ở Nuuk, Greenland, cho biết con trai Donald Trump Jr. và các đại diện của ông đã hạ cánh xuống hòn đảo.
Chính quyền đảo Greenland sau đó thông báo chuyến thăm của Donald Trump Jr. được thực hiện với tư cách cá nhân, các quan chức đảo sẽ không gặp ông này.
Ngoại trưởng Panama Javier Martinez-Acha cho biết chính phủ nước này chưa chính thức liên lạc với ông Trump hay đại diện của chính quyền mới ở Mỹ, đồng thời nhắc lại tuyên bố của tổng thống Jose Raul Mulino rằng kênh đào vẫn sẽ thuộc về Panama.
"Chủ quyền đối với kênh đào của Panana là không thể thương lượng và là một phần lịch sử đấu tranh không thể đảo ngược của Panama," ông Martinez-Acha tuyên bố.
Hoài An (SHTT)