Ông Trump có thể đảo ngược vụ kết tội ở New York nhờ 'bồi thẩm viên thứ 13’?

04/06/2024 08:09:55

Việc bồi thẩm đoàn ở New York (Mỹ) kết tội cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt ra nhiều câu hỏi về chính trị và pháp lý. Song, có một điều chắc chắn là ông Trump sẽ kháng cáo.

Cựu Tổng thống Trump không hề giấu giếm kế hoạch chống lại việc bồi thẩm đoàn tại Tòa án tối cao Manhattan, New York, tuyên ông “có tội” đối với cả 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử năm 2016.

Ông Trump có thể đảo ngược vụ kết tội ở New York nhờ 'bồi thẩm viên thứ 13’?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times

Các luật sư tiết lộ, ông Trump có rất nhiều con đường pháp lý để theo đuổi. Một số chuyên gia luật như Arlo Devlin-Brown, cựu lãnh đạo đơn vị chống tham nhũng công tại Văn phòng công tố viên Manhattan, thậm chí đánh giá cựu tổng thống vẫn có cơ hội đảo ngược phán quyết lịch sử.

Theo tạp chí Politico, cơ hội đầu tiên để ông Trump kháng cáo sẽ đến trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm tòa tuyên án vào ngày 11/7 tới đây. Lúc đó, cựu lãnh đạo Nhà Trắng có thể gửi đơn đến Ban phúc thẩm, Vụ tư pháp số 1 thuộc Tòa án tối cao bang New York, không xa nơi ông vừa phải trải qua 7 tuần xét xử vụ án do Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg khởi xướng. Ban phúc thẩm này có toàn quyền xem xét các kết luận của bồi thẩm đoàn, nên đôi khi được gọi là “bồi thẩm viên thứ 13”.

Đội ngũ pháp lý của ông Trump dự kiến sẽ tập trung vào một số vấn đề then chốt, trong đó có lý thuyết pháp lý cho phép các công tố viên biến 34 cáo buộc tội nhẹ về làm giả hồ sơ kinh doanh thành một vụ trọng tội hình sự chống cựu tổng thống.

“Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này lên cao và xa nhất có thể, bao gồm cả việc đệ trình lên Tòa án tối cao Mỹ để minh oan cho các quyền của cựu Tổng thống Trump”, luật sư Will Scharf, người tham gia biện hộ cho ông Trump chia sẻ với đài CNN hôm 1/6.

Cựu công tố viên Devlin-Brown lưu ý, không giống như phiên tòa kết thúc bằng phán quyết kết tội ngày 30/5, đơn kháng cáo có thể tập trung vào các vấn đề pháp lý tổng quát phức tạp, thay vì những bằng chứng đã trình lên bồi thẩm đoàn.

Tại phiên tòa tuần trước, 12 thành viên bồi thẩm đoàn kết luận ông Trump phạm tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy âm mưu phá hoại cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Để chứng minh tội này, các bồi thẩm viên phải nhất trí rằng, ông Trump đã sử dụng “các cách thức bất hợp pháp”, nhưng họ không cần phải đồng thuận về một hành động trái pháp luật đơn lẻ.

“Quá trình truy tố viện dẫn 3 lý thuyết khác nhau về cách các hồ sơ giả có thể vi phạm luật bầu cử của bang New York ra sao; sự chỉ dẫn hạn chế về những gì một số lý thuyết đó yêu cầu cùng thực tế các bồi thẩm viên không bắt buộc phải nhất trí về những điều được chứng minh, đã tạo ra vấn đề thực sự để kháng cáo”, ông Devlin-Brown giải thích.

Cách thức cơ cấu của Ban phúc thẩm cũng có thể có lợi cho cựu tổng thống. Cơ quan này được mệnh danh “bồi thẩm viên thứ 13” ở New York vì các thẩm phán được phép đưa ra phán quyết dựa trên những tình tiết của vụ án, không chỉ căn cứ vào luật. Theo Diana Florence, cựu trợ lý công tố viên quận Manhattan, “đó là quyền lực thường bị xem nhẹ của Ban phúc thẩm”. Bà Florence tin, ông Trump sẽ là “bị cáo phúc thẩm chưa từng có tiền lệ” và có thể nắm trong tay ít nhất một điều thuận lợi.

“Đó là kẽ hở tồn tại độc nhất vô nhị ở Ban phúc thẩm của New York. Có một kiểu thiên vị cố hữu đối với các bị cáo 'cổ cồn trắng' (những người bị truy tố về các tội trong lĩnh vực kinh tế và không có yếu tố bạo lực), những đối tượng được đối xử ít hà khắc hơn. Xét ở khía cạnh đó, điều này có thể có lợi cho ông Trump”, bà Florence nói thêm.

Alexander Reinert, giáo sư về kiện tụng tại Trường luật Cardozo nhận định, ông Trump cũng có khả năng kháng cáo với lí do một nhân chứng chuyên môn mà ông muốn triệu tập ra tòa - Bradley Smith, cựu lãnh đạo Ủy ban bầu cử liên bang, đã bị thẩm phán cấm đối chất về việc liệu chính khách Cộng hòa này có vi phạm luật tài chính tranh cử hay không.

Ông Trump rốt cuộc đã từ chối gọi ông Smith ra làm chứng. Tuyên bố hôm 1/6 của cựu tổng thống ám chỉ đơn kháng cáo của ông sẽ đề cập đến phán quyết của Thẩm phán Juan Merchan về ông Smith.

Cựu tổng thống cũng có thể lập luận, một số lời khai mà thẩm phán cho phép mang tính định kiến, đặc biệt là lời làm chứng chi tiết của ngôi sao phim người lớn Daniels về quan hệ tình dục giữa hai người, cũng như một số lời khai liên quan đến đoạn băng ghi âm ông kể chuyện gạ tình người dẫn chương trình “Access Hollywood”. Lauren-Brooke Eisen, người từng làm cho Văn phòng Công tố viên quận Manhattan và hiện là giám đốc cấp cao tại Trung tâm tư pháp Brennan, tin các luật sư của ông Trump có thể kháng cáo với lí do “tài liệu không liên quan và bồi thẩm đoàn không cần nghe nó để kết tội”.

Ngoài ra, đội ngũ luật sư của ông Trump cũng có thể lặp lại một số vấn đề họ từng liên tục nêu ra trước và trong suốt quá trình xét xử. Cụ thể, họ cáo buộc thẩm phán Merchan có xung đột lợi ích khi con gái ông đang làm việc tại một công ty tư vấn chính trị cho các chính khách Dân chủ. Họ than phiền việc ông Trump muốn đổi địa điểm tổ chức phiên tòa khỏi Manhattan, nơi tập trung đông đảo những người ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng không được chấp thuận.

Todd Blanche, luật sư chính trong đội ngũ pháp lý của cựu tổng thống thậm chí quả quyết, nhóm bào chữa từ lâu đã chuyển hướng chú ý sang giai đoạn sau kết án. “Chúng tôi sẽ kháng cáo và chúng tôi sẽ thắng khi kháng cáo… Đây là một bước trong quy trình thuộc hệ thống tư pháp của chúng ta. Mục tiêu là kháng cáo nhanh chóng và hy vọng được minh oan nhanh chóng”, ông Blanche lạc quan phát biểu trên chương trình “The Today Show”.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)

Nổi bật