Ông Trump bị phản đòn dồn dập

05/02/2025 15:13:54

Tổng thống Donald Trump coi nền kinh tế Mỹ là đòn bẩy mạnh mẽ chống lại các quốc gia khác, nhưng cách tiếp cận đó có rủi ro khi Mexico, Canada và Trung Quốc đồng loạt phản đòn.

Đồng loạt phản đòn

Ông Trump áp thuế mạnh lên Canada, Mexico và Trung Quốc, ngăn chặn dòng người nhập cư - một trong những vấn đề chính sách quan trọng của ông - cũng như ngăn chặn chất cấm.

Sau khi ông Trump cứng rắn với chính sách về việc áp thuế, các quốc gia bị gọi tên phản đòn mạnh mẽ. Canada và Mexico đã sẵn sàng trả đũa nếu thuế quan có hiệu lực, bất chấp lời đe dọa của Mỹ sẽ tăng thuế mạnh hơn.

Ông Trump đồng ý hoãn thuế quan 25% - vốn được cho là có hiệu lực vào thứ Ba - trong một tháng đối với Mexico và Canada . Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố tăng cường biên giới Mỹ - Mexico với 10.000 thành viên của Lực lượng vệ binh quốc gia.

Ông Justin Trudeau - Thủ tướng Canada - cho biết Canada sẽ bổ nhiệm chuyên gia về fentanyl, thành lập lực lượng tấn công chung để chống lại tội phạm có tổ chức và liệt kê các băng đảng là khủng bố, cùng với các bước khác.

Ông Trump bị phản đòn dồn dập
Các quốc gia bắt đầu phản đòn ông Trump.

Canada đã tuyên bố họ sẽ nhắm vào mật ong, cà chua, rượu whisky và tủ lạnh do Mỹ sản xuất. Trước khi hoãn lại một tháng, Tổng thống Mexico cũng đã nói rằng đất nước của bà sẽ đáp trả.

Hôm thứ Hai, ông Trump cho biết mức thuế 10% có hiệu lực vào thứ Ba mới là "đòn mở màn".

Bắc Kinh công bố biện pháp nhắm vào Mỹ khi chính sách thuế của ông Trump có hiệu lực. Các mức thuế mới do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố đánh thuế 15% đối với một số loại than và khí thiên nhiên hóa lỏng và thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, xe ô tô phân khối lớn và xe bán tải. Các biện pháp này có hiệu lực vào ngày 10/2.

Bộ Thương mại và cơ quan hải quan Trung Quốc cũng công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực ngay lập tức đối với hơn hai chục sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan, bao gồm vonfram - một loại khoáng chất quan trọng thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và quốc phòng, tellurium sử dụng để chế tạo pin mặt trời.

Bộ này cũng cho biết họ thêm hai công ty Mỹ gồm công ty công nghệ sinh học Illumina và nhà bán lẻ thời trang PVH Group (chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger) vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, với lý do họ "vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường".

Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết đang tiến hành điều tra Google vì nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền. Hàng loạt thông báo được đưa ra sau khi mức thuế 10% áp dụng rộng rãi đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ do Nhà Trắng công bố vào thứ Bảy tuần trước đã có hiệu lực.

Bất chấp cảnh báo

Tổng thống Trump đang coi nền kinh tế Mỹ như loại vũ khí, đe dọa sẽ gây tổn hại hơn 1.000 tỷ USD thương mại bằng các cuộc chiến tranh kinh tế trên nhiều mặt trận.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ nói rõ sẽ sử dụng thuế quan một cách rộng rãi, về cơ bản là phô trương sức mạnh kinh tế của Mỹ. “Việc áp thuế quan mạnh giúp đất nước chúng ta trở nên giàu có trở lại”, ông Trump cho hay.

Theo New York Times , Tổng thống Mỹ đã đúng khi cho rằng nền kinh tế Mỹ là vũ khí mạnh mẽ. Nếu ông quyết định áp dụng tăng thuế sẽ ảnh hưởng nặng đến các quốc gia khác. Canada và Mexico nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với Mỹ. Họ gửi hơn 80% hàng xuất khẩu của mình sang Mỹ và có thể bị tê liệt nếu chiến tranh kéo dài.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng chiến lược này cũng gây thiệt hại cho Mỹ. Họ ước tính nền kinh tế Mỹ dù mạnh đến đâu, nhưng khi chiến tranh thương mại nổ ra, nền kinh tế cũng suy yếu do tăng giá, đình trệ đầu tư, chậm tăng trưởng và giảm xuất khẩu.

Chưa ai biết được ông Trump sẽ làm gì sau khi thời hạn 30 ngày của ông kết thúc. Sự không chắc chắn mà các chính sách của ông tạo ra có thể khiến các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào các nhà máy mới và thuê công nhân cho đến khi họ nhìn được bức tranh rõ ràng hơn về kinh tế Mỹ.

Bà Emily Blanchard - Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth - lập luận rằng các mối đe dọa về thuế quan làm xói mòn đòn bẩy kinh tế Mỹ. Nữ giáo sư cho biết ông Trump đang "làm suy yếu lòng tin tạo nên nền tảng sức mạnh của Mỹ" bằng cách tạo ra sức nặng của đất nước trên thị trường toàn cầu.

Trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ thừa nhận chiến tranh thương mại có thể gây tổn hại cho người Mỹ, nhưng ông lập luận rằng “tất cả đáng giá”.

Cuối tuần qua, ông Trump khẳng định việc tiếp cận thị trường Mỹ là "đặc quyền" với các chính phủ nước ngoài. Nhà Trắng lưu ý rằng thương mại Mỹ chiếm 73% hoạt động kinh tế của Mexico, 67% của Canada và 37% của Trung Quốc. Nhưng thương mại chỉ chiếm 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, bản tin cho biết.

Ông Trump bị phản đòn dồn dập - 1
Cảnh báo của chuyên gia về chính sách của ông Trump ngày càng tăng.

Bà Wendy Cutler - cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ và phó chủ tịch của Asia Society - cho biết, ông Trump đã đúng khi nói rằng chiến tranh thương mại sẽ gây đau đớn hơn cho Canada và Mexico.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, các đối tác của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, với hơn 3/4 lượng hàng xuất khẩu của họ dành cho thị trường của chúng tôi. Tuy nhiên, người tiêu dùng, công ty và nền kinh tế Mỹ cũng tổn thương, đặc biệt là khi phải chịu các hành động trả đũa từ các đối tác của chúng tôi”, bà Wendy Cutler nói.

Các nhà nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington ước tính, mức thuế 25% đối với Canada và Mexico và mức thuế 10% đối với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia khác, nhưng cũng sẽ làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, GDP của Canada và Mexico đều sẽ giảm 1% vào năm 2027. GDP của Mỹ sẽ chỉ giảm khoảng 1/3 con số đó. Mặc dù có vẻ không nhiều, nhưng trước ông Trump có rất ít Tổng thống Mỹ sẵn sàng thực hiện để cắt giảm tăng trưởng kinh tế nhiều như vậy.

Thuế quan đối với Canada và Mexico sẽ đặc biệt “gây đau đớn” vì sau 30 năm theo một thỏa thuận thương mại chung, nhiều công ty thiết lập chuỗi cung ứng xuyên biên giới Bắc Mỹ. Các công ty sản xuất dầu mỏ, ô tô, sản phẩm chăm sóc người tiêu dùng, rượu tequila, thép và các sản phẩm khác đã bày tỏ lo ngại về thuế quan.

Ontario - tỉnh phát triển mạnh ngành công nghiệp ôtô của Canada - ước tính rằng 450.000 việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng do thuế quan. Các quan chức nơi đây tuyên bố sẽ cung cấp các khoản hoãn thuế và biện pháp khác để giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Ngoài tác động đến các công ty, chuyên gia thương mại cho biết các mối đe dọa có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho lợi ích của Mỹ. Mức thuế quan sẽ làm xói mòn niềm tin quốc tế rằng Mỹ tuân thủ quy tắc và chuẩn mực thương mại.

Edward Alden - chuyên gia thương mại tại Hội đồng quan hệ đối ngoại - cho biết việc ông Trump đe dọa triển khai thuế quan theo "cách ngẫu nhiên, khó hiểu" giống như sự kết thúc.

"Mỹ cho rằng thuế quan là thứ đa năng có thể được sử dụng cho bất kỳ mục tiêu chính sách nào mà tổng thống mong muốn. Công thức đó tạo ra sự bất ổn, không chỉ ở Bắc Mỹ mà với nền kinh tế toàn cầu", chuyên gia nhận định.

Theo Trọng Huy (Tiền Phong)

Nổi bật