Giới quan sát cho rằng,việc có thêm danh xưng mới một mặt phản ánh mong muốn đóng vai trò trực tiếp hơn trong quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP. |
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 10/7 đăng tải bài viết nhìn lại quá trình phát triển của cuộc cải cách quân đội và gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "hạt nhân của Ban chấp hành trung ương đảng, hạt nhân của toàn đảng, chỉ huy tối cao quân đội nhân dân".
Đáng chú ý, theo giới phân tích, đây là lần đầu tiên kể từ sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, cơ quan ngôn luận chính thức Trung Quốc sử dụng lại danh xưng "chỉ huy tối cao" để chỉ lãnh đạo cấp cao.
Theo đó, trong 167 bài viết từ 5/7/1966 đến 18/10/1970, báo đảng Trung Quốc - Nhân dân nhật báo liên tục gọi Mao Trạch Đông là "chỉ huy tối cao".
Sau Mao Trạch Đông, danh xưng "chỉ huy tối cao" dường như biến mất khỏi các bài viết của phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc. Dù được đánh giá là "kiến trúc sư trưởng của cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc" nhưng Đặng Tiểu Bình cũng chỉ hai lần được truyền thông nhà nước dùng danh xưng "chỉ huy tối cao".
Trước ông Tập Cận Bình chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình được nhắc đến với danh xưng "chỉ huy tối cao". Ảnh: The Telegraph |
Cụ thể, ngày 11/6/1989, Nhân dân nhật báo đăng tải bài viết, gọi Đặng Tiểu Bình là "chỉ huy tối cao của toàn quân" và "kiến trúc sư trưởng của công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc". Ngày 12/6/1997, báo đảng Trung Quốc dẫn lời Thượng tướng Lưu Thanh Hoa nói: "Bước vào thời kỳ cải cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đồng chí Đặng Tiểu Bình là chỉ huy tối cao của quân đội".
Do đó, theo giới quan sát, việc Tân Hoa Xã dùng danh xưng "chỉ huy tối cao" để chỉ ông Tập là một động thái không hoàn toàn ngẫu nhiên.
"Huyền cơ" sớm tiết lộ
Theo Đa chiều (Mỹ), khi quân đội Trung Quốc liên tục nhấn mạnh về "cơ chế phụ trách của Chủ tịch quân ủy" từ cách đây hơn hai năm thì một số "huyền cơ" đã sớm được tiết lộ.
Ngày 2/11/2014, Phó Chủ tịch quân ủy Phạm Trường Long tại hội nghị công tác chính trị Cổ Điền nhấn mạnh việc "cần kiên định tự giác duy trì và quán triệt cơ chế Chủ tịch quân ủy phụ trách". Sau đó, Phó Chủ tịch quân ủy Hứa Kỳ lượng cũng nhấn mạnh cơ chế này trong một bài viết trên Nhân dân nhật báo.
"Cơ chế Chủ tịch quân ủy phụ trách" không phải là một thuật ngữ mới, bởi Điều 93 của Hiến pháp Trung Quốc đã sớm quy định Ủy ban Quân ủy trung ương ĐCSTQ thực hiện cơ chế Chủ tịch phụ trách.
Dù tầng lớp quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc cho rằng, mục đích nhấn mạnh cơ chế này là do tính phức tạp của cuộc đấu tranh tư tưởng và mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích đối lập hiện nay nhưng giới phân tích cho rằng, việc nhấn mạnh này nhắc nhở, trong 20 năm qua, chỉ huy lãnh đạo quân đội không hoàn toàn nằm trong tay Chủ tịch quân ủy.
Từ năm 1949, ĐCSTQ đã trải qua 6 đời Chủ tịch quân ủy, gồm Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.
Trong đó, hai ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình từng xuất thân quân đội nên đều nắm quyền chỉ huy tối cao thực chất. Tuy nhiên, đến thời hai lãnh đạo Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, các vấn đề quân sự thường do các Phó chủ tịch quân ủy đảm nhiệm.
Theo Đa chiều, việc gọi ông Tập là "chỉ huy tối cao" một mặt phản ánh mong muốn đóng vai trò trực tiếp hơn trong quân đội của ông. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Đặc biệt, dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, thế "cửu long trị thủy", nổi bật với hai đại diện tiêu biểu là hai Phó Chủ tịch quân ủy Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu đã lũng đoạn hệ thống quân đội Trung Quốc với hàng loạt bê bối tham nhũng.
Do đó, theo Đa chiều (Mỹ), cơ chế Chủ tịch quân ủy phụ trách chỉ còn là trên giấy, thực tế Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương mới là người phụ trách.
Tập Cận Bình xây dựng kỷ luật
Theo giới chuyên gia, sau khi trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 5 ĐCSTQ, ông Tập nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo đảng, chính quyền, quân đội và kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo của bảy tiểu tổ khác nên quyền lực của ông Tập được cho là lớn hơn hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Tuy nhiên, đối mặt với cuộc cải cách toàn diện mới hiện nay, thiết lập sức mạnh chính trị và củng cố quyền lực là nhu cầu chính trị cấp bách nhất của ông Tập.
Vì vậy, hội nghị Cổ Điền năm 2014, mục đích chủ yếu nhất chính là nhắc các tướng nhớ "chế độ Chủ tịch quân ủy phụ trách", Đa chiều bình luận.
Đến tháng 2/2016, tuy chưa trực tiếp khẳng định như Tân Hoa Xã nhưng Nhân dân nhật báo khi đó đã khen ngợi bài phát biểu của ông Tập tại Cổ Điền "thể hiện đầy đủ kế hoạch chiến lược của một vị chỉ huy tối đối với quá trình xây dựng quân đội chính trị theo tình hình mới".
Đến tháng 10/7/2017, Tân Hoa Xã trực tiếp khẳng định ông Tập là "hạt nhân của Ban chấp hành trung ương đảng, hạt nhân của toàn đảng, chỉ huy tối cao quân đội nhân dân".
Theo Đa chiều, việc gọi ông Tập là "chỉ huy tối cao", một mặt phản ánh mong muốn đóng vai trò trực tiếp hơn trong quân đội của ông Tập, mặt khác ngầm chỉ ra quá trình cải cách quân đội sẽ có những động thái cải cách mạnh mẽ hơn.
"Cửu long trị thủy" là cơ chế lãnh đạo mà 9 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc như dưới thời ông Hồ Cẩm Đào được phân chia quyền lực tương đối đồng đều. |
Theo Thủy Thu (Trí Thức Trẻ)