New York Times nhận định Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines dường như rất vui mừng trong lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Manila ngày 19/11.
“Tôi chỉ đơn giản là yêu Tập Cận Bình. Ông ấy hiểu vấn đề của tôi và sẵn sàng giúp đỡ. Vì vậy tôi sẽ nói ‘cảm ơn Trung Quốc’”, ông Duterte nói hồi tháng 4.
Ngày 19/11, ông Tập đáp trả lại tình cảm này bằng việc miêu tả mối quan hệ song phương đã dần hồi phục sau căng thẳng năm 2016, thời điểm Philippines thành công trong việc thách thức tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa Trọng tài Quốc tế. “Mối quan hệ của chúng tôi nay có thể coi là cầu vồng sau mưa”, ông Tập viết trong một bài báo đăng trên Tân Hoa xã trước chuyến đi Philippines.
Tuy nhiên, ngay cả khi chuyến thăm hai ngày của ông Tập đến Philippines ngập tràn những lời ngọt ngào, câu hỏi khó được đặt ra là liệu cách tiếp cận của ông Duterte có thực sự giúp ích cho quốc đảo này hay không.
"Cầu vồng" sau 13 năm
Sau 13 năm, ông Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến Philippines. Kết quả của chuyến thăm rất có thể sẽ là những cam kết nhiều tỷ USD, nhưng một số chuyên gia kinh tế thắc mắc liệu số tiền đó có thực sự được sử dụng trên thực tế không.
Hai năm trước, không lâu sau khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines, thay thế người tiền nhiệm có quan điểm cứng rắn trước Trung Quốc, ông đã tới Bắc Kinh và ký kết một loạt thỏa thuận đầu tư đắt giá. Tổng thống Philippines nói với Trung Quốc rằng “Mỹ đã bại trận” trong lĩnh vực quân sự và kinh tế. Tuyên bố này được coi là sự chối bỏ thẳng thừng mối quan hệ đồng minh lâu năm.
Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc ở Philippines vẫn còn ở trên giấy tờ nhiều hơn là thực tế. Chỉ một phần nhỏ trong số các dự án trị giá 24 tỷ USD của Trung Quốc hiện đã được phê duyệt để triển khai. “Chính sách của ông Rodrigo Duterte kể từ năm 2016 không đạt được kỳ vọng cũng như không đủ sức thuyết phục người dân”, Jay Batongbacal, giáo sư tại Đại học Luật Philippines, nói với New York Times.
Ngay cả khi ông Duterte có sử dụng cách tiếp cận mềm mỏng trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn cho xây dựng căn cứ quân sự tại các đảo nhỏ mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, dựa trên đơn kiện do chính phủ tiền nhiệm Benigno S. Aquino III đệ trình, Tòa Trọng tài đã tuyên bố Philippines thắng kiện và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với nhiều đảo tại Biển Đông. Kể từ đó, ông Duterte, người nhậm chức trước phiên tòa chỉ vài ngày, đã không hề hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết, dù cho luật pháp quốc tế đang đứng về phía Philippines.
"Thực tế là Philippines dưới thời ông Duterte có thể đã lãng phí nền tảng pháp lý vững chắc nhất chống lại Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông", Leila de Lima, lãnh đạo đối lập đang bị tạm giam, từng phát biểu.
Tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore, ông Duterte đã cắt giảm đến mức tối thiểu tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông, cho rằng “Trung Quốc đang chiếm hữu” tuyến đường thủy gây tranh chấp. Thay vào đó, ông Duterte nói sau động thái cử chiến hạm đến khu vực này để thu hút sự chú ý vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia, Mỹ nên tránh việc “tạo ra xích mích”.
Mâu thuẫn nội bộ
Ngay cả khi tỷ lệ ủng hộ tổng thống Philippines có sụt giảm vì cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, ông Duterte vẫn rất được lòng người dân trong nước. Tuy nhiên các phát ngôn của ông về Biển Đông có vẻ đang đi ngược lại mong muốn của người dân nước này.
Theo kết quả khảo sát của Social Weather Stations, khoảng 85% người tham ra phản đối việc chính phủ Philippines không phản ứng trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã đáp phi cơ chiến đấu và trang bị tên lửa đối không tại các vùng lãnh thổ mà Philippines và nhiều quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.
“Phát ngôn mang tính thực dụng của ông Duterte về vấn đề Biển Đông được nhiều người coi là hành động đầu hàng và phản quốc”, Clarita Carlos, cựu chủ tịch trường đại học Quốc phòng Philippines, nói với New York Times.
Ngư dân quốc đảo này cũng phản đối ông Duterte vì ủng hộ kế hoạch hợp tác khai thác giàu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ngày 19/11, khoảng 150 ngư dân đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và giơ cao biểu ngữ “Philippines là của chúng tôi, Trung Quốc hãy rời đi”.
Fernando Hicap, người lãnh đạo tổ chức công đoàn ngư dân, nói với New York Times rằng Philippines có thể sẽ ký kết thỏa thuận triển khai kế hoạch hợp tác trong chuyến thăm của ông Tập, và đó là hành động “tương đương với đầu hàng hoàn toàn trước tuyên bố chủ quyền và sự kiểm soát của Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên”.
Các đồng minh của ông Duterte cho rằng hợp tác thăm dò tài nguyên là cách duy nhất để tận dụng các nguồn lực chưa được khai thác ở Biển Đông. Chuyến thăm của ông Tập tới Philippines sẽ là chất xúc tác đẩy mạnh đầu tư.
“Trung Quốc hiện được coi là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu hàng đầu cũng như có lượng khách du lịch đến Philippines nhiều nhất. Tầm nhìn lãnh đạo của ông Duterte đã làm thay đổi quan hệ kinh tế song phương”, phát ngôn viên tổng thống Salvador Panelo nói.
Vào tháng trước, trong lễ khánh thành lãnh sự quán Trung Quốc mới tại thành phố Davao, quê hương của ông Duterte, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Tổng thống Duterte là người bạn mà Chủ tịch Tập và người dân Trung Quốc coi trọng nhất”.
Ảo tưởng về Trung Quốc?
Theo ước tính của Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, trong 10 thỏa thuận lớn được ký kết giữa Trung Quốc và Philippines 2 năm trước, tính đến nay chỉ có khoản vay 62 triệu USD để xây dựng một con đập là được giải ngân.
“Rốt cuộc thì tiền đầu tư từ các dự án lớn của Trung Quốc đã đi về đâu?”, ông nói với New York Times.
“Ảo tưởng về Trung Quốc là vấn đề mà tôi quan ngại. Bắc Kinh cam kết rất nhiều nhưng những khoản đầu tư đó buộc chính phủ Philippines phải nhượng bộ rất lớn về mặt chính trị. Vài tỷ USD đầu tư chính là câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm của Trung Quốc đối với các thỏa thuận”, ông Heydarian nói.
Trong khi cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, tổng thống Philippines cũng phát biểu không mấy tích cực về đồng minh lâu năm Mỹ. “Người Mỹ rất ồn ào, đôi khi trở nên om sòm. Thanh quản của họ không điều chỉnh được cho phải phép lịch sự”, ông Duterte nói tại Bắc Kinh 2 năm trước.
Tuy nhiên, hiếm có quốc gia nào thân Mỹ như Philippines. Các quan chức quốc phòng nước này lo ngại rằng cách tiếp cận hòa giải của ông Duterte trong tranh chấp Biển Đông chỉ khiến Bắc Kinh trở nên kiên quyết hơn.
Ngay cả khi ông Duterte cảnh báo Mỹ đang làm mất ổn định trật tự địa chính trị khu vực, lực lượng vũ trang Philippines vẫn sẽ tăng cường tập trận chung với Mỹ vào năm tới.
“Chính sách khuất phục Trung Quốc sẽ kìm chân quân đội Philippines và đầu hàng trước những mong muốn của Bắc Kinh. Phải nói rằng những sự kiện này đã khiến binh sĩ Philippines mất tinh thần”, Jose Antonio Custodio, nhà sử học quân sự, nói với New York Times.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)