Giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là đang phải tìm cách né tránh những áp lực từ quân đội buộc họ phản ứng quyết liệt hơn sau phán quyết "đường lưỡi bò".
Một tàu chiến Trung Quốc tham gia diễn tập trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian từ ngày 5 đến 11/7. Ảnh: Xinhua |
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đến nay vẫn chưa thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ muốn thực hiện các động thái cứng rắn hơn. Thay vào đó, Trung Quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
Tuy nhiên, gần đây, một số thế lực bên trong lực lượng quân đội ngày càng độc lập của Trung Quốc đang ra sức thúc ép chính quyền phản ứng mạnh mẽ hơn, tính đến cả khả năng huy động quân sự, nhằm chống lại Mỹ cũng như các đồng minh khu vực vì vấn đề Biển Đông, Reuters dẫn lời 4 nguồn tin am hiểu sự việc cho biết.
Phán quyết từ Tòa Trọng tài khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh luôn miệng nói rằng sẽ phớt lờ phán quyết, gọi đây là một âm mưu chống Trung Quốc được nung nấu ở Washington.
"Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng", một nguồn tin giấu tên cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những năm gần đây không ngừng tranh thủ sự ủng hộ cũng như củng cố quyền lực đối với quân đội mà chưa gặp bất kỳ thách thức lớn nào. Ông còn đang giám sát chặt chẽ quá trình cải cách nhằm nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng vũ trang.
Song việc những thế lực bên trong quân đội Trung Quốc đòi hỏi phải có hành động mạnh tay trước phán quyết từ Tòa Trọng tài đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, có thể dẫn tới tình thế đối đầu nghiêm trọng ở Biển Đông, giới chuyên gia đánh giá.
Quân đội "cứng rắn"
Một nguồn tin khác có mối liên hệ với quân đội miêu tả lực lượng vũ trang Trung Quốc hiện vô cùng "hiếu chiến".
"Mỹ sẽ làm những gì họ cho là cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ làm những gì chúng tôi thấy cần", nguồn tin quả quyết. "Toàn quân đã được củng cố sức mạnh".
Đứng trước câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang tìm kiếm một cách phản ứng mạnh mẽ hơn không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân chỉ lặp lại rằng lực lượng vũ trang của nước này sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, các quyền hàng hải cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực, đồng thời xử lý mọi mối đe dọa và thách thức.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh về hưu cùng những học giả xuất thân từ quân đội Trung Quốc lại thúc giục chính phủ đưa ra một thông điệp mạnh bạo hơn.
"Quân đội sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng và Trung Quốc không bao giờ khuất phục trước bất kỳ nước nào về vấn đề chủ quyền", Liang Fang, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, viết trên mạng xã hội Weibo, đề cập tới phán quyết từ Tòa Trọng tài.
Theo Reuters, hiện chưa rõ những động thái cứng rắn mà quân đội Trung Quốc cân nhắc thực hiện là gì. Nhiều người tập trung vào khả năng Bắc Kinh thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Các nguồn tin có liên hệ với quân đội còn nhắc đến một số lựa chọn khác, bao gồm trang bị tên lửa cho những máy bay tuần tra khu vực.
Yue Gang, đại tá quân đội về hưu, nhận xét việc Trung Quốc tuyên bố sẽ điều phi cơ tuần tra thường xuyên ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang muốn tìm cách đánh bại ưu thế trên không mà Mỹ có được nhờ đội ngũ tàu sân bay hiện đại.
"Trung Quốc lúc này không còn cảm thấy bị đe dọa bởi đội tàu sân bay Mỹ nữa và đã đủ can đảm để đáp trả, bất chấp nguy cơ xảy ra va chạm ngoài ý muốn", Yue viết trên Weibo.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi và nên coi phán quyết từ tòa như một bước ngoặt đối với chiến lược ở Biển Đông của ta", LiJinming từ Đại học Hạ Môn, bình luận.
Chính phủ thận trọng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) cuối tháng trước tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Dù giới quân sự liên tục đưa ra những phát ngôn mạnh miệng, đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn chưa triển khai động thái tiềm ẩn khả năng gây leo thang căng thẳng lớn nào. Một số nhà ngoại giao cùng các nguồn tin cho hay giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ sự nguy hiểm cũng như những hệ lụy họ phải chịu nếu để xung đột bùng phát.
"Họ đang ở thế thủ. Họ rất lo lắng trước phản ứng từ quốc tế", một nhà ngoại giao hàng đầu ở Bắc Kinh tiết lộ, dẫn chứng bằng những cuộc đối thoại với các quan chức Trung Quốc. "Họ thật sự mong muốn nối lại đàm phán. Giới lãnh đạo Trung Quốc phải xem xét thật kỹ những bước đi tiếp theo".
Nội bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng nhận thức được rằng họ sẽ phải nhận những hậu quả tồi tệ nếu đối đầu trực diện với Mỹ.
"Hải quân của chúng tôi không thể so bì cùng Mỹ. Chúng tôi không sánh kịp họ về mặt công nghệ. Những người dân thường Trung Quốc sẽ là bên duy nhất bị ảnh hưởng", một nguồn tin quân đội nói và thêm rằng cách nhìn nhận này hiện rất phổ biến.
Một nguồn tin khác có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc thì thẳng thắn nói: "Chiến tranh khó có thể nổ ra".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây lên tiếng đề cao tầm quan trọng của đối thoại, nhấn mạnh đã đến lúc đưa mọi thứ "trở về quỹ đạo" và "ngừng nói về" phán quyết của Tòa Trọng tài.
Mỹ đáp lại lời đề nghị một cách đầy thiện chí, cử Cố vấn An ninh Quốc giaSusan Rice tới Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế. Washington cũng đang áp dụng phương pháp ngoại giao thầm lặng nhằm thuyết phục các bên liên quan ở khu vực tránh thực hiện những động thái mạnh khiến căng thẳng gia tăng.
Bắc Kinh từ lâu luôn tỏ thái độ giận dữ trước hoạt động tự do hàng hải của Washington ở Biển Đông song chỉ điều tàu bám đuôi và cảnh cáo các chiến hạm Mỹ. Điều này cho thấy Trung Quốc rõ ràng không muốn khiêu khích Mỹ về mặt quân sự, nhiều nhà ngoại giao phương Tây và châu Á nhận định.
Theo một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh, nếu muốn thực hiện các động thái gây hấn quân sự, Trung Quốc sẽ tính toán kỹ lưỡng thời điểm, nhiều khả năng rơi vào khoảng thời gian từ lúc Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc vào đầu tháng 9 tới tháng 11, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra.
Trung Quốc rất lo ngại những hành động của nước này ở Biển Đông sẽ phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với những lãnh đạo đến từ các cường quốc hàng đầu thế giới. Sự kiện dự kiến được tổ chức ở thành phố Hàng Châu.
"Nhưng Trung Quốc sẽ phạm sai lầm nếu nghĩ Mỹ sẽ chỉ ngồi đó và không làm gì cả", nhà ngoại giao ở Bắc Kinh khẳng định.