Chuyến thăm tới 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ ngày 15 - 19/3 được cho là phép thử đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Khi mới được Tổng thống Donald Trump tín nhiệm chọn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, nhiều người băn khoăn không biết vị cựu Giám đốc điều hành ExxonMobil này - vốn không có chút kinh nghiệm ngoại giao nào - sẽ làm gì khi bước vào một trong những "chảo lửa" ngoại giao "nóng" nhất của thế giới như khu vực Đông Bắc Á và Triều Tiên.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được cho sẽ là trọng tâm chính trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Tillerson.
Ông Tillerson sẽ phải đứng trước một loạt lựa chọn: đối thoại với Triều Tiên, bổ sung các biện pháp trừng phạt mới hoặc thậm chí tiến hành tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với ông Tillerson là làm thế nào để chèo lái mối quan hệ đang rạn nứt giữa các quốc gia châu Á này.
Hàn - Nhật đang phải vật lộn giải quyết các bất đồng chính trị kéo dài từ nhiều thế hệ, trong khi cả Seoul và Tokyo đều tố cáo Trung Quốc "che chắn" cho Triều Tiên khỏi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.
Việc Triều Tiên hôm 6/3 phóng 4 tên lửa đạn đạo, trong đó có những quả rơi vào vùng 200 hải lý của Nhật Bản, đã làm dấy lên những bất đồng giữa Hàn Quốc, Mỹ với Trung Quốc về việc Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Mặc dù Mỹ luôn trấn an Trung Quốc rằng việc triển khai này đơn thuần là nhằm bảo vệ Hàn Quốc và binh lính Mỹ ở nước này trước khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên, song chính quyền Bắc Kinh cáo buộc đây là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế sức mạnh đang lên của Bắc Kinh.
Trung Quốc mới đây đã phát tín hiệu có các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì những hành vi gây hấn. Tuy nhiên, hiện giờ, Bắc Kinh lại bóng gió rằng nước này có thể sẽ tái cân nhắc tới việc hợp tác với Triều Tiên do Mỹ triển khai THAAD, và hiện đã có những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc.
Ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang gây áp lực để tăng chi tiêu quốc phòng - một động thái khiến cả Bắc Kinh và Seoul không thể ngồi yên bởi cả hai lo ngại trước một Nhật Bản quyết đoán hơn về quân sự.
Còn Hàn Quốc, Ngoại trưởng Tillerson sẽ rất bối rối và khó thu hút sự chú ý của các lãnh đạo nước chủ nhà vì Seoul vừa trải qua vụ Tòa án Hiến pháp phế truất Tổng thống Park Geun-hye và đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sớm.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng quan ngại rằng việc triển khai THAAD có thể làm đảo lộn quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Ông Tillerson sẽ phải đối mặt với các vấn đề trên trong chuyến thăm ba nước châu Á. Tuy nhiên, một số chuyên gia khu vực cho rằng, theo cách nhìn của các nước chủ nhà, có lẽ câu hỏi lớn nhất không phải về Triều Tiên hay quan hệ khu vực, mà là vấn đề vị tân Ngoại trưởng này đứng ở vị trí nào trong hệ thống chính sách ngoại giao của chính quyền Trump.
Có ít bằng chứng cho thấy vị Ngoại trưởng này đã thâm nhập được vào một nhóm nội bộ do nhà chiến lược chính trị Steve Bannon và con rể ông Trump là Jared Kusher chi phối.
Bên cạnh đó, hiện ông Tillerson chưa có đội ngũ riêng của mình vì Bộ Ngoại giao Mỹ thực tế chưa có một thứ trưởng và trợ lý bộ trưởng nào, mà mới chỉ có vài đại sứ.
Tuy vậy, dường như sẽ không có nhiều thông tin chiến lược từ Ngoại trưởng Tillerson trong chuyến thăm này do lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, một ngoại trưởng Mỹ công du nước ngoài mà không có giới báo chí đi cùng.
Hành động này khiến cho kết quả chuyến thăm sẽ do truyền thông của các nước đối tác "nhào nặn".
Theo Đức Thức (Tiền Phong)