Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi một cuộc họp cấp cao về việc phát triển chung vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Ông cũng hứa tặng miễn phí cho các nhân viên LHQ mỗi người một liều vaccine Sputnik V do Nga sản xuất, đài RT đưa tin.
Đại hội đồng LHQ, được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19 đã khai mạc hôm 22-9. Tại phiên họp buổi sáng, ông Putin đã có bài phát biểu chủ yếu tập trung vào đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra.
"Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một thách thức là đại dịch COVID-19. Căn bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người và cướp đi hàng trăm nghìn mạng người. Việc kiểm dịch, đóng cửa biên giới đã tạo ra nhiều vấn đề đối với công dân của hầu hết các quốc gia trên thế giới" - ông Putin phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Ông cũng đề xuất rằng các nhà lãnh đạo thế giới đang có mối quan tâm đến việc hợp tác phát triển vaccine COVID-19 nên gặp gỡ, thảo luận để cùng nhau chống lại căn bệnh chết người này và giúp tất cả mọi người trên thế giới dễ dàng tiếp cận với vaccine hơn.
Chủ nhân Điện Kremlin cũng giới thiệu rằng Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine Sputnik V. Ông nhấn mạnh rằng đây là loại vaccine COVID-19 đã được chứng minh là "đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả". "Chúng tôi hoàn toàn cởi mở và cam kết hợp tác. Về vấn đề này, chúng tôi đang có sáng kiến tổ chức một hội nghị trực tuyến cấp cao trong tương lai gần nhất với các quốc gia quan tâm đến việc hợp tác phát triển vaccine chống lại COVID-19" - ông Putin nói.
Tổng thống Nga cũng lưu ý rằng căn bệnh này đã ảnh hưởng đến các nhân viên của LHQ, nên ông đã ngỏ ý tặng vaccine Sputnik V cho bất kỳ nhân viên LHQ nào sẵn sàng tiêm chủng. LHQ đã đáp lại bằng cách cảm ơn Tổng thống Putin về "lời đề nghị hào phóng" và hứa sẽ xem xét thêm. “Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Putin vì lời đề nghị hào phóng của ông. Dịch vụ y tế của chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này" - ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của LHQ cho biết. Vaccine Sputnik V hiện đang được thử nghiệm quy mô lớn. Hàng chục ngàn người Nga và nước ngoài đã tình nguyện tham gia chương trình tiêm chủng thử nghiệm. Sputnik V, do viện Gamaleya và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) phối hợp điều chế và đã được đăng ký vào tháng 8. Kể từ đó, ít nhất 20 quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil, Mexico, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc có được loại vaccine này.
Loại vaccine thứ hai do Nga sản xuất, được Trung tâm Vector phát triển và có tên là EpiVacCorona, dự kiến sẽ được đăng ký vào ngày 15-10. Sau khi đăng ký xong, nó sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng với 5.000 tình nguyện viên tham gia.
Theo Tú Quyên (Pháp Luật Online)