Trong một bài viết cho báo Newsweek có tựa "Sự điên rồ hạt nhân của Trung Quốc" do Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ, ông Pompeo cho biết Trung Quốc từ chối tiết lộ họ có bao nhiêu vũ khí hạt nhân cũng như dự định phát triển bao nhiêu vũ khí hạt nhân.
Ông Pompeo giải thích rằng trong chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đều hiểu an ninh quốc gia của họ dựa trên sự hiểu biết về khả năng hạt nhân của nhau và "Chúng tôi đã thiết lập một khuôn khổ để xử lý những hiểu lầm có thể gây chết người".
"Ngày nay, Trung Quốc không cho phép sự minh bạch như vậy đối với kho vũ khí hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới. Bắc Kinh từ chối tiết lộ họ có bao nhiêu vũ khí hạt nhân, dự định phát triển bao nhiêu vũ khí hoặc sẽ làm gì với chúng" - ông Pompeo viết.
Ông Pompeo cho rằng Trung Quốc là quốc gia kém minh bạch nhất trong số 5 quốc gia hạt nhân, bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng an ninh Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Ông Pompeo cũng lặp lại cảnh báo rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dự kiến ít nhất sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Đánh giá đó phù hợp với báo cáo tháng 9 -2020 của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc.
Lầu Năm Góc hiện ước tính Trung Quốc có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân, mặc dù họ không biết con số chính xác.
"Bất chấp việc Bắc Kinh giữ bí mật về các hoạt động hạt nhân của mình, chúng tôi biết Trung Quốc đang theo đuổi bộ ba hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển. Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ việc xây dựng này. Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2012, ông đã mô tả quyền chỉ huy vũ khí hạt nhân là 'hỗ trợ cho vị thế cường quốc của Trung Quốc" với kế hoạch xây dựng một quân đội 'đẳng cấp thế giới' vào năm 2049" - ông Pompeo viết.
Ông Pompeo cho biết kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc bao gồm tên lửa Dongfeng-41, có thể đến bờ biển của Mỹ trong 30 phút".
Ông Pompeo cho biết Trung Quốc đã đạt được việc chế tạo vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ bị hạn chế bởi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí "không hiệu quả".
"Trong khi chúng tôi bị hạn chế bởi các giới hạn của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung đối với tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km - 5.500 km. Trong khi đó, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai hơn 1.000 tên lửa đạn đạo tầm trung gần bờ biển của mình" - ông Pompeo viết.
Ông Pompeo cũng kêu gọi các nước đồng minh của Mỹ giúp gây sức ép buộc Trung Quốc đàm phán về các vấn đề hạt nhân.
Các đoàn tàu hạt nhân thời chiến tranh lạnh chuẩn bị quay trở lại
Các đoàn tàu này mang đầu đạn hạt nhân chạy vòng quanh Nga. Đây là một động thái có thể khiến Moscow rơi vào tình huống va chạm với Washington.
Tin tức này chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều nghi vấn ở Mỹ, vốn coi dự án này là mối đe dọa đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của họ.
Việc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên tàu hỏa có thể là bước tiếp theo của nước này trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân với khối quân sự NATO leo thang.
Vào thời Liên Xô, mạng lưới tên lửa đường sắt được phát triển với mục đích đảm bảo các đầu đạn có thể được vận chuyển dễ dàng trong nước và không bị các vệ tinh và các chuyến bay giám sát của phương Tây chú ý. Ngược lại, các bệ phóng trên đất liền và các bệ phóng trong hầm chứa ngầm bị theo dõi và giám sát dễ dàng hơn nhiều.
Do khó bị phát hiện, hệ thống này đã trở thành trọng tâm trong các cuộc đàm phán song phương với Mỹ sau khi Liên Xô chia tách và các chuyến tàu bị cấm theo hiệp ước START II, ký năm 2005. Tuy nhiên, hiệp ước New START thay thế nó có nhiều điều khoản hạn chế hơn về tên lửa di động, có khả năng mở ra cánh cửa cho kế hoạch này được hồi sinh.
Vào tháng 12-2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Ryabkov, cảnh báo rằng việc Mỹ "chia sẻ" vũ khí hạt nhân với các thành viên NATO trên lục địa đang làm leo thang nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Theo Gia Minh (Nld.com.vn)