Các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản được tháp tùng bởi các nhân viên an ninh vũ trang nhưng họ thường tiếp xúc rất gần với công chúng, đặc biệt là trong các chiến dịch chính trị khi họ phát biểu bên đường và bắt tay người qua đường.
Nhận định về vụ tấn công ông Abe hôm 8-7, ông Airo Hino, giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Waseda, cho rằng một vụ xả súng như vậy là chưa từng có tiền lệ ở Nhật Bản. Bà Nancy Snow, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh quốc tế Nhật Bản, nói với đài CNN rằng vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo không chỉ hiếm mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa.
Bà Snow nói thêm: "Tôi nghĩ vụ xả súng ngày 8-7 sẽ thay đổi Nhật Bản, không may là mãi mãi".
Trước vụ tấn công nhằm vào ông Abe, Nhật Bản đã chứng kiến nhiều vụ ám sát lãnh đạo trong quá khứ. Vào năm 2007, Thị trưởng TP Nagasaki đã bị một thành viên băng nhóm yakuza (xã hội đen) bắn chết. Trước đó, vào năm 1960, lãnh đạo Đảng Xã hội Nhật Bản Inejiro Asanuma thiệt mạng sau khi bị một thanh niên cánh hữu ám sát bằng kiếm ngắn của samurai khi đang phát biểu.
Cùng năm đó, cố Thủ tướng Nobusuke Kishi, ông ngoại của ông Abe, bị một kẻ ám sát liên kết với các nhóm cánh hữu dùng dao tấn công. Không rõ động cơ tấn công vào thời điểm đó. Ông Kishi may mắn sống sót vì lưỡi kiếm đã đâm trượt các động mạch chính.
Năm 1994, cựu Thủ tướng Morihiro Hosokawa bị một phần tử cực đoan cánh hữu ám sát nhưng may mắn không hề hấn gì. Vào năm 1996, Thị trưởng thị trấn Mitake Yoshiro Yanagawa bị tấn công tại nhà và bị thương nặng. Kể từ đó, Nhật Bản tăng cường siết chặt luật kiểm soát súng đạn, áp đặt những hình phạt nặng nề hơn với các tội danh liên quan đến súng đạn.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)