Nguồn ảnh Internet |
Vào cuối buổi phỏng vấn, ông Lý nói: “Về nhà luyện tiếng Trung thêm và báo cáo lại với tôi trong ba tháng. Chúng ta có một dự án quan trọng với Trung Quốc”.
Ông Heng sau đó nhận ra rằng khi ông trả lời: “Tôi không biết” cho một số câu hỏi, ông đã gây được ấn tượng với ông Lý. “Đối với ông Lý, chuyện anh không biết một số thứ không có vấn đề gì cả. Nhưng đừng giả vờ và nói dối nếu anh không biết. Sự chính trực là tất cả” - ông nói.
Ông Heng đã làm thư ký cho ông Lý từ giữa năm 1997 đến đầu năm 2000. Thời gian này đã giúp ông hiểu hơn về tầm nhìn thế giới của ông Lý Quang Diệu, nhất là khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Có ba điều mà ông Heng tâm đắc.
Điều đầu tiên là vị thế của Singapore trên thế giới. “Ông ấy đã chứng kiến các cuộc chiến và sự thống trị của nước ngoài, đã từng hát bốn quốc ca khác nhau trong cuộc đời và đấu tranh vì sự độc lập của Singapore” - ông Heng kể và nói thêm mối quan tâm cả đời của ông Lý là làm sao để Singapore, một nước nghèo tài nguyên, có thể tồn tại trong một thế giới nơi các cường quốc lớn nhỏ tranh giành ảnh hưởng.
“Một nước nhỏ phải cởi mở và kết nối với tất cả các nước và các nền kinh tế lớn. Để thịnh vượng, Singapore phải kết nối với thế giới. Chúng tôi phải khác biệt” - ông Heng nói.
Thứ hai là quan điểm của ông Lý về con người, văn hóa và xã hội. “Một số xã hội thành công hơn những xã hội khác vì cách mà họ được tổ chức và các giá trị cũng như văn hóa củng cố thêm vào đó.
Con người chúng ta có hai mặt của bản năng: một là ích kỷ, tìm cách cạnh tranh và thu lợi tối đa cho bản thân, gia đình và gia tộc; hai là vị tha, tức tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ người khác và đóng góp vì những cái chung” - ông Heng phát biểu.
Theo ông, Lý Quang Diệu tin rằng sự căng thẳng giữa cạnh tranh và hợp tác, giữa âm và dương là điều cần được hiệu chuẩn lại.
Trong một xã hội, những ai thành công phải đóng góp ngược lại cho xã hội và giúp những người khác thành công. “Chúng ta phải chia sẻ hoa trái mà chúng ta nỗ lực thu hoạch được”.
Thứ ba là về quan điểm quản lý và lãnh đạo. Các xã hội phụ thuộc vào các lực lượng phức tạp và không tự nhiên mà thành công.
Là một luật sư, ông Lý tin tưởng sâu sắc rằng luật lệ và sự quan trọng của các thể chế tạo ra một xã hội tốt. Nhưng các thể chế chỉ tốt khi người vận hành chúng cũng tốt. Sự quản lý tốt cần những lãnh đạo có phẩm chất, khả năng và giác quan đúng.
Đào sâu cốt lõi vấn đề Ông Heng kể rằng câu hỏi ưa thích của ông Lý Quang Diệu là: “Rồi thì sao?”. Nếu bạn thông báo cho ông ấy về chuyện gì đó, ông luôn tiếp lời: “Rồi thì sao?”. Bạn đáp lại và nghĩ rằng đã trả lời câu hỏi của ông. Nhưng một lần nữa ông lại hỏi: “Rồi sao nữa?”. Ông Heng nói câu hỏi kiểu này buộc bạn phải đi sâu vào cốt lõi vấn đề và rút ra các hệ quả. “Bản năng của ông ấy là mổ xẻ sự lộn xộn, đào sâu cốt lõi vấn đề và xác định các điểm sống còn” - ông Heng cho biết. Có lần ông Heng viết một báo cáo để trả lời câu hỏi của ông Lý với ba đoạn văn bản. Ông nghĩ như vậy là đầy đủ. Thay vào đó, ông Lý nói chỉ cần một câu trả lời thôi và hỏi vì sao ông Heng gửi tới ba đoạn. “Tôi nhận ra đó là cách ông ấy mổ xẻ mớ lộn xộn. Thời ông làm thủ tướng, điều quan trọng là phải phân biệt được giữa các vấn đề chiến lược và các vấn đề thứ yếu” - ông Heng nói. Sự sáng suốt trong các vấn đề của ông Lý đến từ đầu óc rộng lớn và kỷ luật của ông. “Ông nghe và đọc nhiều nhưng ông làm việc đó như một thám tử. Ông tìm kiếm và kết nối các manh mối quan trọng trong khi gạt sang một bên những thứ không liên quan” - ông Heng kể và dẫn lại lời một lãnh đạo cấp cao của Mỹ nói ông Lý như một cơ quan tình báo chỉ có một nhân viên. |