Dấu mốc quan trọng của Bán đảo Triều Tiên
Mới đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố, Triều Tiên sẽ không còn tìm cách hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc. Ông Kim cho rằng quan hệ liên Triều đã trở thành "mối quan hệ giữa hai quốc gia thù địch và hai phía đối địch trong chiến tranh", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin.
"Đã tới lúc chúng ta phải thừa nhận thực tế và làm rõ mối quan hệ của chúng ta với Hàn Quốc", nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng nếu Washington và Seoul tìm cách đối đầu quân sự với Bình Nhưỡng thì nước này sẽ không chần chừ tiến hành động thái răn đe hạt nhân.
Ngay ngày đầu năm mới 2024, ông Kim cũng lệnh cho quân đội Triều Tiên "hủy diệt" Mỹ và Hàn Quốc nếu bị gây hấn, sau khi cam kết tăng cường năng lực quốc phòng, CBS News dẫn KCNA cho biết.
Ông Kim Jong Un tuyên bố rủi ro đối đầu quân sự trên bán đảo liên Triều đang nhanh chóng trở thành hiện thực bởi hành động từ các đối thủ của Bĩnh Nhưỡng và điều này đòi hỏi đất nước "mài giũa thanh gươm quý báu" để tự vệ.
"Nếu đối thủ lựa chọn đối đầu quân sự... thì quân đội của chúng ta phải giáng một đòn chí mạng và hủy diệt hoàn toàn đối phương bằng cách huy động mọi phương tiện và tiềm lực mạnh mẽ nhất mà không chút chần chừ," KCNA trích lời Chủ tịch Kim Jong Un.
Hàn Quốc và Triều Tiên đã cắt đứt quan hệ từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 với một thỏa thuận đình chiến. Về bản chất, hai phía vẫn ở trong tình trạng chiến tranh nhưng chính phủ hai bên lâu nay vẫn hướng về mục tiêu thống nhất.
Tuần trước, KCNA đưa tin, ông Kim đã chỉ đạo cho quân đội cùng các lĩnh vực phòng thủ dân sự, vũ khí hạt nhân, đạn dược của Triều Tiên tăng cường chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu để đối phó với "các động thái đối đầu" từ phía Mỹ.
KCNA đã mô tả tình hình trên bán đảo Triều Tiên là "trầm trọng" và cho rằng mối quan hệ liên Triều đi tới điểm "cực hạn" là do Washington.
Hoo Chiew-Ping, học giả cấp cao tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế Đông Á (EAIR) CAUCUS, nhận định, những bình luận mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra về vấn đề thống nhất rất đáng chú ý.
"Điều này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng cho Bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên sẽ kịch liệt khước từ cành ô liu mà các chính phủ Hàn Quốc kế nhiệm đưa ra", bà Hoo nói với CNN.
Theo bà Hoo, Bình Nhưỡng muốn tăng cường phát triển quan hệ với các đồng minh hiện tại như Trung Quốc và Nga, cùng một mạng lưới các quốc gia có thể tạo điều kiện cho Triều Tiên về phương diện tài chính.
"Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện bị loại khỏi tầm tiếp cận chiến lược của ông Kim", Hoo nói.
Ja Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại trung tâm Carnegie Trung Quốc, cho rằng phát biểu của ông Kim "phản ánh thực tế rằng thống nhất không phải là khả năng ngắn hạn hay thậm chí là trung hạn (đối với Triều Tiên và Hàn Quốc)".
"Trong tình huống này, câu hỏi đặt ra là liệu không thống nhất có nghĩa là tiếp tục giữ nguyên hiện trạng hay Triều Tiên tin rằng họ cần hành động tích cực hơn để bảo vệ mình, hoặc thậm chí ngăn chặn những gì họ coi là nguy cơ xâm lược có thể xảy ra từ Hàn Quốc", Chong nói.
"Trường hợp thứ nhất thì có thể chấp nhận được dù Triều Tiên có tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ, vì họ giữ nguyên hiện trạng và tốt hơn việc tin tưởng vào khả năng thống nhất bằng vũ trang. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, thì xung đột và thậm chí căng thẳng với Hàn Quốc và Đông Bắc Á có thể sẽ gia tăng".
Theo CBS News, nhiều chuyên gia cho rằng đụng độ quân sự ở quy mô nhỏ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có thể sẽ xảy ra dọc theo biên giới giữa hai bên trong năm nay.
Vệ tinh do thám
Hồi tháng 11/2023, Triều Tiên cho biết họ đã đưa vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, sau nhiều lần thất bại.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu tàu vũ trụ hoạt động, nó có thể tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Triều Tiên, bao gồm cả khả năng nhắm mục tiêu chính xác hơn vào lực lượng của đối thủ.
Hàn Quốc gọi vụ phóng này là "vi phạm rõ ràng" vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (theo nghị quyết, Triều Tiên bị cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo).
Hôm 31/12, KCNA cho biết Triều Tiên có kế hoạch tăng cường chương trình đó với ba vệ tinh do thám bổ sung trong năm mới.
"Dựa trên kinh nghiệm phóng và vận hành thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên vào năm 2023, nhiệm vụ phóng thêm ba vệ tinh trinh sát vào năm 2024 được tuyên bố nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học và công nghệ vũ trụ", KCNA nhấn mạnh.
Trong năm 2023, Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bao gồm cả tên lửa tầm xa chạy bằng nhiên liệu rắn có tên Hwasong-18 vào tháng 12. Theo CNN, các chuyên gia quốc phòng và các nhà quan sát khu vực cho rằng chương trình tên lửa của Triều Tiên đã "trưởng thành".
"Mặc dù giống với nhiều quốc gia, Triều Tiên cũng có những thử nghiệm tên lửa thất bại, nhưng rõ ràng tổng thể thì mức độ tin cậy của tên lửa Triều Tiên là khá đáng nể", Jeffrey Lewis, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận định.
Theo Thi Anh (Nguoiduatin.vn)