Hai năm trước, ông Kim hạ lệnh đóng cửa khu công nghiệp Kaesong đúng vào lúc bà Park mới nhậm chức được 1 tháng. Không ngờ nhà lãnh đạo Hàn Quốc lập tức ra lệnh cho công nhân nước này rời khỏi Keasong và kéo vật tư cùng máy móc về nước.
Bình Nhưỡng thấy vậy liền bắt một số công nhân Hàn Quốc làm con tin và yêu cầu đàm phán. Tuy nhiên, sau 3 tháng khu công nghiệp bị bỏ hoang, Triều Tiên phải đồng ý khôi phục hoạt động của nhà máy vì nhận ra nếu để Hàn Quốc ngưng đầu tư vào Kaesong, họ sẽ mất một nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Còm về vụ nổ mìn, Triều Tiên cũng dứt khoát không chịu ngồi vào bàn đàm phán với Hàn Quốc nhưng khi Seoul nối lại hoạt động tuyên truyền qua loa phóng thanh ở biên giới, Bình Nhưỡng nhanh chóng gật đầu tới làng Bàn Môn Điếm.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: News.com.au |
Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc hôm 26-8 thông báo họ sẵn sàng thảo luận đề xuất của Triều Tiên về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt từ năm 2010. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho biết Hàn Quốc đang chuẩn bị mở một kênh đối thoại mới với Triều Tiên sau khi hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng hôm 24-8.
Seoul công bố biện pháp trừng phạt vào ngày 24-5-2010, bao gồm cắt đứt du lịch, thương mại và viện trợ tư nhân đối với Bình Nhưỡng, sau khi cáo buộc Triều Tiên dùng ngư lôi đánh chìm tàu Cheonan, làm chết 46 thủy thủ Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng sau đó phủ nhận trách nhiệm và đòi Seoul dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi đàm phán nhưng Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên phải “xin lỗi” mới chấp nhận.