Ông Erdogan vừa giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý và được trao thêm nhiều quyền lợi, khiến ông trở thành “siêu Tổng thống” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một kết quả không chính thức, ông Erdogan đã chiến thắng với 51,4% phiếu bầu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giành thêm nhiều quyền lực trong tay sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý mới đây. |
“Chúng ta đang bị các quốc gia khác trên thế giới tấn công. Hãy nhìn xem, phương Tây đã tấn công chúng ta như thế nào”, ông Erdogan nói với những người ủng hộ tại Istanbul vào ngày 16/4.
“Chúng ta không bị chia rẽ, chúng ta vẫn đang phục hồi và đang dần khắc phục bằng hệ thống mới. Còn rất nhiều việc phải làm”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Như vậy, những thay đổi trong Hiến pháp đã biến Thổ Nhĩ Kỳ từ một đất nước theo hệ thống nghị viện sang một hình thức mới mà ở đó Tổng thống có nhiều quyền hạn hơn, mà theo giới chuyên gia, ông Erdogan sẽ trở thành “siêu Tổng thống”.
Từ nay, ông Erdogan sẽ có quyền tự quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, mà không cần phải thông qua Quốc hội. Cũng theo quy định mới, Tổng thống được phép chỉ định nội các và số lượng Phó Tổng thống không giới hạn. Thậm chí, người đứng đầu Nhà nước còn có quyền bãi nhiệm những quan chức cấp cao, mà không cần sự thông qua của Quốc hội.
Những sửa đổi trên sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Đây là động thái cực kỳ có lợi cho ông Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông. Nhiều khả năng, ông Erdogan sẽ tiếp tục chiến thắng trong kỳ bầu cử tiếp theo và sẽ nắm quyền cho tới năm 2029.
Nhiều ý kiến chỉ trích về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã được đưa ra. Những nhà hoạt động dân chủ cho rằng, đó là động thái nhằm củng cố quyền lực độc tài của ông Erdogan, cho rằng ông có thể sẽ lạm quyền.
Đại diện đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố sẽ đề nghị kiểm tra lại phiếu vì cho rằng có những điểm bất thường trong quá trình lấy ý kiến trưng cầu dân ý.
Những thay đổi mới trong Hiến pháp sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2019 (Ảnh: Al Jazeera). |
Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP), nói rằng ông tôn trọng ý chí của cử tri, nhưng ông cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) khi đã “che giấu” kết quả của cuộc trưng cầu.
“Tôi rất buồn khi phải nói rằng, YSK đã khiến cho cuộc trưng cầu trở nên khó hiểu”, ông Kilicdaroglu nói.
Tháng 7/2016, ông Erdogan đã phải đối mặt với một cuộc đảo chính quân sự trong nước. Sau đó, ông đã đáp trả bằng cách bắt giữ khoảng 47.000 người và khiến 120.000 người khác mất việc, chủ yếu là các quan chức quân đội và nhiều quan chức Nhà nước.
Theo Danh Tuyên (Nguoiduatin.vn)