Khi tranh cử, ông Donald Trump từng nói để Nga đánh IS nhưng tới nay, Mỹ đang can thiệp sâu và sa lầy ở Trung Đông.
F/A-18E của Mỹ hạ Su-22 Syria trong khi có mặt máy bay Nga |
Vào ngày Chủ nhật, Mỹ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Syria trên bầu trời phía Tây Nam nước này. Hoa Kỳ đang hoạt động ở Syria mà không có sự đồng ý nào của chính quyền sở tại. Đó là điều vi phạm luật pháp quốc tế mà trong khi Mỹ liên tục nói rằng "không tìm cách chống lại chế độ ở Syria".
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cảnh báo máy bay của Mỹ và liên minh "được phát hiện ở phía Tây sông Euphrates".
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tấn công gần đây của lực lượng Hoa Kỳ chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria.
Tác giả bài viết này cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa bao giờ là chuyên gia quan hệ quốc tế nhưng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump từng gây chú ý khi có quan điểm đối ngoại khá lành mạnh.
Ông Trump từng cho rằng, Mỹ nên tránh tham gia vào cuộc chiến tranh vô nghĩa ở Trung Đông và nhường việc đó cho Nga.
Tháng 9/2015, trong một bài phát biểu dài 50 phút tại Trung tâm Hội chợ bang Oklahoma, ông Trump nói: "Nga muốn bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ 3 tại Syria và muốn đánh IS? Chúng ta cũng muốn điều đó, vậy chúng ta nên để họ làm điều đó. Hãy để họ tiêu diệt IS".
Chính trị gia này nhấn mạnh rằng ông không muốn đưa quân tham chiến ở Syria. Trước đó, ông đã phản đối cuộc chiến tranh Iraq, bởi ông biết trước rằng, chiến tranh Iraq kết thúc với hàng ngàn tỉ USD đã được chi tiêu, hàng ngàn người đã thiệt mạng và Trung Đông trong tình trạng mất ổn định.
Song cho đến nay, từ khi cầm quyền, ông Trump vẫn tiếp tục đưa ra các chương trình can thiệp sâu hơn trong cuộc xung đột ở Syria.
Tạp chí The National Interest cho rằng, ông Trump đã nhanh chóng trở thành "tù nhân của chính sách ngoại giao".
Tạp chí Mỹ cho rằng, triển vọng để ông Trump tham gia vào "cuộc nội chiến với nhiều nhóm giao tranh sẽ chẳng hay ho gì trong mọi trường hợp". Bởi nếu Nga tích cực can thiệp vào cuộc xung đột, Mỹ sẽ có nguy cơ đụng độ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là chính Nga.
Tờ tạp chí cũng nhận định, Washington không có lợi ích sống còn ở Syria và Mỹ cũng không thể thiết lập sự ổn định nào ở nước này. Những hành động gia tăng chiến sự của Mỹ được gọi là hành động "thiếu suy nghĩ" trong khu vực sẽ có nguy cơ thổi bùng lên cuộc chiến tranh có quy mô lớn hơn nhiều ở khu vực này so với cuộc xung đột ở Syria hiện nay.
Mỹ hay Nga đang sa lầy ở Syria?
Bình luận của tờ tạp chí Mỹ làm gợi dậy một bài báo đầu tháng 6 của tờ Warisboring cho rằng, chính Nga đang sa lầy ở Syria.
Đã hơn một năm 7 tháng kể từ khi quân đội Nga can thiệp vào cuộc chiến tại Syria. Ngay từ đầu, Mỹ và phương Tây đã cho rằng chiến dịch của Nga sẽ dẫn đến tình trạng sa lầy như Mỹ ở Iraq hoặc Afghanistan.
Dựa vào sức mạnh không quân, Nga đã giúp chế độ Syria phục hồi trở lại, thực hiện các cuộc tấn công và thu hồi lại một phần lãnh thổ rộng lớn. Nga vẫn duy trì một số lượng quân và thiết bị đáng kể ở Syria, dù cho nước này từng hai lần rút quân công khai vào tháng 3/2016 và tháng 1/2017.
Tuy nhiên phương Tây cho rằng đó chỉ là hành động nghi binh, cả hai lần đó chỉ là hoạt động luân chuyển quân sự thông thường.
Theo đó, tờ báo dẫn lời ông Neil Hauer, một chuyên gia về quan hệ Nga - Syria tại SecDev đưa ra các số liệu quân nhân Nga được triển khai ở Syria đang đạt mức đỉnh điểm.
Binh sĩ Nga triển khai ở Syria đang ở mức đỉnh điểm. |
Số lượng binh sĩ, phi công của Nga ở Syria lên tới gần 10.000 người, trong đó có khoảng 5.000 nhân viên tại căn cứ không quân Hmeimim, 2.500 lính đánh thuê Wagner và 1.000 quân cảnh người gốc bắc Caucasus.
Nga cũng đã có nhiều tính toán chính trị đằng sau những “khu vực an toàn” được đề xuất này, những khu vực này được cho là sẽ một phần được bảo vệ bởi quân cảnh Nga hoặc Chechnya, ông Hauer nói thêm.
Vào ngày 18/5/2017, máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công lực lượng bán quân sự do Iran hậu thuẫn, lực lượng này lúc đó đang cố gắng tiếp cận và tấn công những chiến binh thuộc Quân đội Tự do Syria (FSA) do quân đội Mỹ hậu thuẫn ở Al Tanf, gần biên giới Iraq, nơi Nga từng dội bom vào lực lượng FSA vào tháng 6/2016. “Nga rõ ràng đã cố thuyết phục quân đội Syria và Iran quay lại nhưng họ không nghe”, ông Hauer nói.
“Vấn đề với các đồng minh khiến Nga buộc phải triển khai thêm lực lượng trên bộ để đảm bảo rằng họ sẽ giành được các mục tiêu đặt ra ở khu vực trọng yếu, và lực lượng quân cảnh người Chechnya đang tới Syria để đối phó với sự can thiệp của Iran vào các thỏa thuận ngừng bắn và di tản ở Aleppo”.
Ông Hauer nói: "Mặc dù Nga không cần tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn, tôi vẫn cho rằng Nga sẽ đưa thêm quân trên bộ đến, có thể là lực lượng đặc nhiệm Chechnya và lính đánh thuê Wagner, vì Nga luôn mong muốn giành được sự ảnh hưởng lớn hơn trên mặt đất”.
Theo Ngọc Dương (Đất Việt)