Trả lời phỏng vấn hãng tin RT , ông Medvedev nói rằng các lãnh đạo phương Tây hiện đại "không nhạy bén, tinh tế như những người tiền nhiệm của họ, và không để tâm đến ý chí của Nga trong việc bảo vệ sự tồn vong của mình bằng mọi cách có thể".
"Họ đã tính toán sai lầm. Vì một lý do nào đó, họ nghĩ rằng Nga sẽ không bao giờ vượt qua lằn ranh. Họ đã nhầm. Nếu điều đó ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia, thì như lãnh đạo Nga từng nói nhiều lần, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác", ông Medvedev nói.
Ông nhấn mạnh, rằng bất kỳ ai làm tổng thống của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều có nghĩa vụ phải bảo vệ đất nước "cho đến con người cuối cùng".
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga. Theo những thay đổi này, một hành động gây hấn chống lại Nga và đồng minh thân cận Belarus từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào - bao gồm cả Ukraine - "với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" sẽ được coi là một "cuộc tấn công chung", có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân.
Đầu tuần này, quân đội Nga đã tổ chức một cuộc tập trận của lực lượng răn đe chiến lược , bao gồm các vụ phóng thử tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Phát biểu về cuộc tập trận hôm 29/10, Tổng thống Putin cho biết vũ khí hạt nhân là "phương án cuối cùng nếu cần để đảm bảo an ninh quốc gia". Nga tìm cách duy trì lực lượng hạt nhân của mình ở mức vừa đủ, nhưng sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, ông Putin khẳng định.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với RT , ông Medvedev nhấn mạnh, "cái gọi là trật tự dựa trên luật lệ do Mỹ và các đồng minh áp đặt trên toàn cầu là một cấu trúc bất ổn".
Theo ông Medvedev, việc tạo ra các cuộc khủng hoảng như xung đột giữa Nga và Ukraine là cách Mỹ đang cố gắng thống trị thế giới. "Họ nghĩ rằng, càng tạo ra nhiều cuộc khủng hoảng càng tốt cho Mỹ. Họ kiếm tiền từ vũ khí, vật tư và bằng cách phân bổ tiền cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Nhưng hệ thống này sắp sụp đổ", ông nói.
Giới chức Washington “cảm thấy thế giới đang sụp đổ dưới chân họ, và họ đang chống lại việc này bằng mọi cách có thể”.
Đó là lý do vì sao "người Mỹ coi nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS và các liên minh khác đang được thành lập trên toàn cầu, nơi Mỹ không có tiếng nói, là thù địch”, ông Medvedev giải thích.
Washington và các đồng minh cáo buộc thành viên của các nhóm đó 'vi phạm trật tự', nhưng đồng thời, họ không thể giải thích được trật tự này là gì”.
Thế giới đơn cực mà Mỹ đang cố gắng duy trì “luôn dễ xảy ra chiến tranh và xung đột”, ông Medvedev nói. Trong khi đó, hệ thống đa cực mà Nga và các thành viên BRICS khác đang nỗ lực xây dựng “tạo ra mối liên hệ giữa các cực khác nhau” và tạo ra “một thế giới cân bằng tương đối ổn định”, ông giải thích.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)