Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bị cáo buộc giúpTriều Tiên 5 tỉ USD và 2 lò phản ứng hạt nhân để phát triển vũ khí hạt nhân.
“Bill Clinton trao cho Triều Tiên 5 tỉ USD và hai lò phản ứng hạt nhân vào năm 1994, về cơ bản là trao vũ khí hạt nhân cho họ” - là dòng chữ ghép trong bức ảnh ông Clinton ngồi cạnh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Bức ảnh này được chụp ngày 4-8-2009, khi ông Clinton – lúc này không còn là tổng thống Mỹ - sang Triều Tiên thương lượng để Triều Tiên thả 2 nhà báo Mỹ. Ông Kim Jong-il chết sau đó hai năm.
Bức ảnh ghép dòng chữ này xuất hiện sau khi tình báo Mỹ đánh giá Triều Tiên đã chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có khả năng lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và đã sở hữu 60 quả bom hạt nhân.
Bức ảnh ghép dòng chữ cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cung cấp phương tiện và tiền bạc cho Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Ảnh: TWITTER |
Đúng là ông Clinton hứa trao cho Triều Tiên 5 tỉ USD và 2 lò phản ứng hạt nhân, nhưng thực chất sự việc không như cáo buộc. Khi còn là tổng thống, ông Clinton đã tiến hành thương lượng một thỏa thuận với Triều Tiên nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân nước này, giữa lúc Triều Tiên xây dựng một cơ sở sản xuất plutonium quy mô lớn.
Năm 1993, Triều Tiên trục xuất thanh sát viên quốc tế, tuyên bố có ý định rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân – một thỏa thuận quốc tế Triều Tiên tham gia năm 1985.
Thời điểm đó, Triều Tiên đã có lượng plutonium đủ chế tạo 2 quả bom hạt nhân, theo nhà nghiên cứu cấp cao Joshua Pollack tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (Mỹ). Lượng plutonium này chiết từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở một lò phản ứng hạt nhân nước này xây dựng từ thời ông Clinton còn làm thống đốc bang Arhansas (Mỹ).
Tháng 10-1994, ông Clinton sắp xếp thương lượng với ông Kim Jong-il vừa được bầu làm lãnh đạo Triều Tiên sau khi người cha là ông Kim Il-sung qua đời.
Theo thỏa thuận với Mỹ, Triều Tiên sẽ ngừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân trên, chấm dứt xây dựng 2 lò phản ứng khác mà Triều Tiên đã lên kế hoạch, nói là nhằm cung cấp điện, đón lại thanh sát viên quốc tế.
Đổi lại, Mỹ sẽ giúp Triều Tiên xây 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ để sản xuất điện phục vụ nhu cầu nước này. Lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ khiến Triều Tiên khó khăn hơn trong việc sản xuất nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Hai lò phản ứng này có chi phí 4 tỉ USD, sẽ do Hàn Quốc, Nhật, Đức, Nga, và Mỹ góp lại, thông tin tư liệu từ Washington Post cho biết. Thêm nữa, Mỹ sẽ giúp cung cấp nhiên liệu nặng cho Triều Tiên.
Thỏa thuận này không cần Quốc hội Mỹ thông qua. Với ông Clinton đây là một hướng đi để Mỹ dỡ bỏ dần trừng phạt và bình thường quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
“Thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ đạt được mục tiêu quan trọng – chấm dứt đe dọa phổ biến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” – ông Clinton nói về thỏa thuận.
Tuy nhiên thỏa thuận đã không được tuân thủ triệt để. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không thực hiện lời hứa cung cấp nhiên liệu và đẩy mạnh làm giàu uranium.
Đến năm 2002, chính phủ George W. Bush cắt đứt vận chuyển nhiên liệu đến Triều Tiên. Triều Tiên rút khỏi thỏa thuận, chấm dứt tuân thủ các bổn phận trong thỏa thuận. Đến năm 2006, Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân lần đầu thành công.
Vì vậy có thể nói cáo buộc ông Clinton là thủ phạm thúc đẩy chương trình hạt nhân của Triều Tiên là không chính xác. Dòng chữ ghép trên bức ảnh đã bóp méo thỏa thuận.
Chuyện ông Clinton trao 2 lò phản ứng cho Triều Tiên là không có, vì công việc xây dựng có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Công việc thành lập Tổ chức Phát triển Năng lượng Bán đảo Triều Tiên để giám sát xây dựng 2 lò phản ứng vẫn chỉ còn trên giấy tờ.
Số tiền 5 tỉ USD mà dòng chữ ghép trong bức ảnh nhắc đến vốn không phải là tiền mặt, mà gồm cả chi phí xây dựng 2 lò phản ứng và cung cấp nhiên liệu. Một báo cáo năm 2014 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho thấy Mỹ cung cấp hơn 400 triệu USD nhiên liệu nặng cho Triều Tiên trong thời gian 1995-2002.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Richard Nephew tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc đại học Columbia, thỏa thuận trên dù có không hoàn hảo nhưng cũng đã giúp cản trở tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
“Đây là vấn đề tích tụ qua nhiều năm, qua nhiều chính phủ của Mỹ, và nói thế nào thì Tổng thống Clinton đã trì hoãn chứ không phải thúc đẩy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên” – theo ông Nephew.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định thỏa thuận này đã giúp làm chậm tiến trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Theo tình báo Mỹ, đến hiện tại, Triều Tiên đã có đủ plutonium và uranium làm giàu chế tạo được 60 quả bom hạt nhân. Nếu không có thỏa thuận này, con số bom hạt nhân của Triều Tiên có thể đã nhiều hơn.
Theo Thiên Ân (Pháp Luật TP HCM)