Ông chủ Facebook bị triệu tập vì bê bối lộ thông tin

22/03/2018 10:10:14

Bê bối thu thập thông tin người dùng Facebook để phục vụ mục đích chính trị tiếp tục gây chấn động lớn và tỉ phú Mark Zuckerberg đã bị triệu tập điều tra.

Ông chủ Facebook bị triệu tập vì bê bối lộ thông tin
Ông Nix, Tổng giám đốc Cambridge Analytica bị công ty đình chỉ chức vụ, trả lời các phóng viên tại London hôm 21.3

Ngày 21.3, Ủy ban Công nghệ, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh phát lệnh triệu tập người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg để điều trần và ra hạn chót để vị tỉ phú này phản hồi là vào ngày 26.3. Theo tờ The Guardian, quốc hội Mỹ cũng đang xem xét có hành động tương tự.

Ngoài ra, giới công tố tại 3 bang ở Mỹ gồm Massachusetts, New Jersey và New York cũng như Ủy ban Thương mại liên bang cũng đã vào cuộc điều tra. Nếu bị kết luận xâm phạm quyền lợi người dùng, Facebook có thể hứng án phạt hàng tỉ USD. Đến nay, bê bối lộ thông tin người dùng đã khiến giá trị của Facebook “bốc hơi” 50 tỉ USD trên sàn chứng khoán trong 2 ngày qua.

Cùng ngày, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (CA, trụ sở ở Anh) thông báo đình chỉ chức vụ đối với Tổng giám đốc Alexander Nix. CA bị cáo buộc mua lại thông tin của hơn 50 triệu người dùng Facebook bị thu thập ngoài ý muốn, sau đó sử dụng chúng để xác định mối quan tâm của cử tri rồi đăng quảng cáo, thông điệp giúp ông Donald Trump thắng cử cũng như thúc đẩy người Anh bỏ phiếu rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Bên cạnh đó, Đài truyền hình Channel 4 (Anh) công bố băng ghi hình những cuộc hội thoại diễn ra từ tháng 11.2017 đến tháng 1.2018, trong đó ông Nix và cộng sự khoe khoang về tầm ảnh hưởng của CA. Trong cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, phóng viên Channel 4 giả dạng là khách hàng muốn thuê CA giúp một ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Sri Lanka. Theo lời ông Nix, công ty này có thể “moi” thông tin về các chính trị gia bằng cách “điều một vài cô gái đến nhà của người đó” và “những cô nàng Ukraine rất xinh đẹp và được việc”. Thậm chí, CA có thể đưa hối lộ để gài bẫy, bôi nhọ một ứng viên. “Chúng tôi sẽ quay phim lại mọi thứ, làm mờ khuôn mặt của người bên mình rồi tung lên mạng”, ông Nix nói.

Trong phóng sự điều tra, ông này cùng các đồng nghiệp còn tuyên bố CA và công ty mẹ SCL “đã nhúng tay trong hơn 200 cuộc bầu cử ở nhiều nước như Argentina, Ấn Độ, CH Czech, Kenya, Malaysia...” cũng như tư vấn cho ông Mukhriz Mahathir, con trai cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Văn phòng Thủ tướng Malaysia ngày 20.3 phát thông cáo phủ nhận đã thuê CA hay SCL còn ông cũng bác bỏ những thông tin trên, theo Đài Channel News Asia.

Ngoài ra, ông Nix tuyên bố đã “nhiều lần gặp” Tổng thống Trump trong lúc ông còn là ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng và CA “đóng vai trò chính trong chiến thắng của chính quyền Trump”. “Chúng tôi làm tất cả mọi khâu, từ nghiên cứu, làm dữ liệu, phân tích, xác định mục tiêu, điều hành chiến dịch kỹ thuật số và ảnh hưởng đến chiến lược của họ”, Nix nhấn mạnh. Đáp lại, ông Brad Parscale, quản lý hoạt động kỹ thuật số cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, nói ban vận động không sử dụng dữ liệu của CA “mà chỉ dựa vào thông tin cử tri từ Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa”.

Hôm qua, trong thông báo đình chỉ ông Nix, CA tuyên bố những phát ngôn của người này “không đại diện cho giá trị hay hoạt động của công ty”. Hãng còn phủ nhận hoàn toàn những thủ đoạn như lời kể và nói đã xóa toàn bộ dữ liệu Facebook vào năm 2015 “nên không thể dùng để tác động vào các sự kiện chính trị”.

Cũng trong ngày 21.3, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan, người tạo ra ứng dụng giúp thu thập thông tin người dùng Facebook rồi bán lại cho CA, tuyên bố ông bị Facebook và CA biến thành “dê tế thần”. Ông Kogan nói đã được CA đảm bảo rằng mọi việc “tuyệt đối hợp pháp”. Facebook thì thông báo việc nhà nghiên cứu người Anh này có được thông tin người dùng thông qua ứng dụng là hợp pháp nhưng đã vi phạm nguyên tắc khi chuyển dữ liệu cho bên thứ ba.

Theo Bảo Vinh (Thanh Niên Online)

Nổi bật