Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tại Catalan ngày 21.12 với 90% số phiếu đã được kiểm cho thấy các đảng ủng hộ ly khai có thể có tới 70 ghế trong cơ quan lập pháp địa phương vốn có 135 ghế của vùng lãnh thổ tự trị này. Dù vậy, phe ủng hộ ly khai lại không thể chiếm đa số phiếu phổ thông, khi họ chỉ kiếm được khoảng 47,4% số phiếu bầu phổ thông mà thôi.
Kết quả này đánh dấu một mốc căng thẳng mới, khi chính phủ Tây Ban Nha trước đó đã giải tán chính quyền địa phương của khu vực này vì đòi độc lập và tổ chức cuộc bầu cử sớm với hy vọng tạo ra một chính quyền địa phương ủng hộ thống nhất.
Không rõ là chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ phản ứng như thế nào trước thông tin bầu cử mới này, tuy nhiên nhiều khả năng chính trường tại nước này sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn khi những đảng ủng hộ ly khai lại chiến thắng.
"Cuộc bầu cử này là một cuộc tập dượt để chúng tôi có thể đi đến một cuộc trưng cầu dân ý. Nếu các đảng ủng hộ ly khai chiến thắng, chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi", Joan Garcia, một lập trình viên máy tính 28 tuổi tại Barcelona cho biết.
Ông Rajoy từng hứa sẽ công nhận chính quyền mới tại Catalan bất chấp kết quả của cuộc bầu cử sớm, nhưng nói sẽ tước quyền tự trị cũng như bỏ tù các lãnh đạo địa phương một lần nữa nếu họ lại đòi ly khai.
Theo nhà báo Stephen Burgen của The Guardian thì với kết quả hiện tại, ông Carles Puigdemont có thể sẽ lại được bầu làm Thủ hiến mới của xứ Catalan, "nhưng khi ông đặt chân tới Tây Ban Nha ông sẽ bị bắt vì những cáo buộc khiến ông phải trốn chạy sang Brussels - nổi loạn, kích động nổi loạn và lạm dụng công quỹ".
"Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có những tiền lệ cho phép ông Puigdemont ở lại Bỉ và làm Thủ hiến Catalan nhưng không có quyền hành pháp. Đây rõ là một cuộc bầu cử kỳ lạ với nhiều cái còn kỳ lạ hơn", ông Burgen cho biết thêm.
Tuyên bố trên ứng dụng Whatsapp vào lúc 10 giờ 30 giờ địa phương, ông Puigdemont khẳng định: "Như mọi người đã thấy, chúng tôi đã quay trở lại".
Cuộc bầu cử tại Catalan ngày 21.12 đã được chính phủ Tây Ban Nha do Thủ tướng Mariano Rajoy tổ chức, sau khi ông sử dụng Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha hồi cuối tháng 10 để kiểm soát trực tiếp khu vực tự trị này và tống giam một loạt lãnh đạo địa phương của Catalan vì đòi ly khai, độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Cuộc bầu cử địa phương lần này cũng ghi nhận con số cử tri đi bầu hơn 80%, đông kỷ lục chưa từng có tại Catalan dù cuộc bầu cử đã được cố tình tổ chức vào ngày thứ 5, là ngày đi làm thay vì ngày nghỉ là Chủ nhật như thường thấy.
Theo Ái Vi (Một Thế Giới)