Hai lãnh đạo gặp mặt
Lời mời tổng thống Nga Vladimir Putin tới hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được Moscow coi như một dấu hiệu cho thấy Washington đã phải để mắt tới đối đầu giữa Nga về Ukraine.
Với những dấu hiệu về một cuộc họp tiềm năng ở Phần Lan, các quan chức Nga cho rằng Moscow cuối cùng cũng được đối xử và tôn trọng mà theo cách mà họ xứng đáng nhận được.
"Đó là một bước tiến rất quan trọng trên phạm vi toàn cầu", Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của thượng viện Nga, cho biết.
Được biết, ông Biden đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh trên quan điểm trung lập, trong cuộc điện đàm với Putin hôm 13/4 khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng gia tăng về vấn đề Ukraine.
Lực lượng quân đội Nga đã tăng cường ở biên giới với Ukraine - nơi các lực lượng của Kiev đã chiến đấu với phe ly khai thân Nga kể từ năm 2014. Tình trạng này đã nhiều lần nhận hồi chuông báo động từ NATO.
Ông Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí trong một cuộc điện đàm hôm 14/4 để kêu gọi Nga giảm quân số ở biên giới, cho rằng điều này sẽ giúp làm giảm căng thẳng.
Trong cuộc đối thoại với ông Putin, ông Biden nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ Kiev nhưng cũng đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với ông Putin về "toàn bộ các vấn đề mà Mỹ và Nga phải đối mặt".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 14/4 rằng lời đề nghị sẽ được "nghiên cứu", tuy nhiên khi ông Putin đối thoại với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, ông đã nhắc tới "cuộc gặp dự kiến của hai tổng thống".
Phần Lan đã đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh cuối cùng giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ vào năm 2018, khi ông Putin gặp Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump.
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã phản ứng trước tin tức về cuộc hội đàm, so sánh hội nghị thượng đỉnh với các cuộc gặp của ông với Ronald Reagan ở Geneva và Reykjavik vào những năm 1980.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đánh giá thượng đỉnh lần này có bóng dáng của các cuộc họp thời Chiến tranh Lạnh giữa các siêu cường.
Giải quyết bất đồng
"Tin tốt là các nhà lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất đã xác nhận sự sẵn sàng hợp tác của họ", Leonid Slutsky, trưởng bộ phận đối ngoại tại Hạ viện Nga, nói với các phóng viên.
Nhiều người nhấn mạnh rằng lời kêu gọi này là một sáng kiến của Mỹ và lưu ý rằng sự chuẩn bị của Nhà Trắng không bao gồm những lời chỉ trích về "hồ sơ nhân quyền" của Nga hay việc bỏ tù Alexei Navalny.
"Chính ông Biden là người đã yêu cầu cuộc điện đàm vào ngày hôm qua. Ông Biden đã gọi điện và muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh", người dẫn chương trình Vladimir Solovyov cho biết trong chương trình phát thanh buổi sáng.
Ngay cả những người phản đối Điện Kremlin cũng cho rằng lời mời về hội nghị thượng đỉnh là một chiến thắng cho ông Putin.
"Một hội nghị thượng đỉnh? Mỹ cần nói chuyện gì với Putin? Đó chính là điều mà ông Putin mong mỏi, một cuộc nói chuyện 1 1 với Mỹ," Garry Kasparov, huyền thoại cờ vua Nga và là người thường chỉ trích ông Putin, viết trên Twitter.
Các nhà quan sát cho rằng một phần nguyên nhân khiến căng thẳng Ukraine gia tăng là do Điện Kremlin đang "nắn gân" ông Biden - người từng gọi ông Putin là "kẻ giết người".
Ông Putin đã đáp trả lời xúc phạm và sau đó mời ông Biden tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến trong vòng vài ngày. Ông Biden trả lời rằng hai người sẽ nói chuyện "vào một lúc nào đó".
Chỉ vài giờ sau cuộc gọi, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan đã được mời đến Điện Kremlin để hội đàm.
"Mức độ căng thẳng trong hai tuần qua đã giảm bớt sau cuộc gọi của ông Biden. Các cuộc tấn công vũ lực quanh Ukraine có thể sẽ dừng lại".
Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)