Theo luật pháp Mỹ, tổng thống đương nhiệm là người duy nhất có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Một báo cáo hồi tháng 5 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ giải thích rằng quyền này là "cố hữu" vì theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống có vai trò tổng tư lệnh. Mặc dù tổng thống có thể "tìm kiếm cố vấn" từ các tướng lĩnh quân đội, nhưng những người này "có nghĩa vụ truyền đạt và thực hiện các mệnh lệnh cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân".
Tạp chí Newsweek đưa tin, hai đảng viên Dân chủ bao gồm Thượng nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts và Hạ nghị sĩ Ted Lieu của bang California đã gửi một bức thư cho Tổng thống Joe Biden hôm 12/12, khuyên ông nên thay đổi chính sách hiện tại của Mỹ, nâng cao vai trò của Quốc hội nước này trong mỗi lần tổng thống sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vào năm 2015, ông Lieu từng đề xuất luật yêu cầu Quốc hội Mỹ tuyên chiến trước khi tổng thống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong bức thư gửi Tổng thống Biden hôm 12/12, hai nhà lập pháp của Đảng Dân chủ gọi chính sách hiện tại của Mỹ là "nguy hiểm".
"Khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Phòng Bầu dục, điều quan trọng hơn bao giờ hết là tước bỏ quyền phát động chiến tranh hạt nhân khỏi tay một cá nhân và đảm bảo rằng chức năng lập hiến của Quốc hội được tôn trọng và thực hiện", hai ông Markey và Lieu viết.
Bức thư tiếp tục hối thúc Tổng thống Biden thực hiện các bước đi cụ thể để hạn chế quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống tương lai. Họ cho biết động thái như vậy có thể trở thành "một phần quan trọng" trong "di sản" của ông Biden.
"Chúng tôi kêu gọi ông tuyên bố rằng từ nay trở đi, chính sách của Mỹ là sẽ không phát động một cuộc tấn công hạt nhân trước tiên mà không có sự cho phép rõ ràng từ Quốc hội. Trong tình huống nước Mỹ đã bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tổng thống sẽ vẫn có quyền đáp trả đơn phương", các nhà lập pháp viết.
Mối quan ngại về chiến tranh hạt nhân
Theo Newsweek, Đảng Dân chủ từ lâu đã bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ ông Trump có thể ra lệnh tấn công hạt nhân vào các đối thủ của Mỹ. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên cũng như trong quá trình vận động tranh cử vừa qua, ông Trump từng đe dọa và ám chỉ rằng ông có khả năng thực hiện những hành động như vậy.
"Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa tuyên bố rằng 'Nút hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc của ông ấy'", ông Trump viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào tháng 1/2018, khi đó ông đang là Tổng thống Mỹ.
Ông Trump viết tiếp rằng, có ai đó “vui lòng thông báo với ông ấy [ông Kim] rằng tôi cũng có Nút hạt nhân, nhưng nó lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với nút của ông ấy, và Nút của tôi hoạt động!"
Tuy nhiên, theo Newsweek, ở chiều ngược lại, Đảng Cộng hòa và ông Trump cũng đã nêu lên mối quan ngại rằng Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ đang đẩy nước Mỹ đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
"Chúng ta đang tiến vào ranh giới của Thế chiến thứ III, do sức mạnh của vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân", ông Trump nói hồi tháng 9 trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania.
Chiến tranh hạt nhân liệu có xảy ra?
Newsweek đưa tin, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh của ông tại Moscow đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, thậm chí có khả năng nhằm vào các quốc gia NATO.
Các chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran cũng vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu về an ninh quốc gia đối với Mỹ.
Hiện tại, 9 quốc gia được biết là có vũ khí hạt nhân bao gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Nga, Vương quốc Anh và Mỹ.
Iran hiện không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nhiều nhà phân tích an ninh quốc gia tin rằng nước này có thể dễ dàng phát triển một loại vũ khí như vậy với chương trình hạt nhân hiện có của mình.
Theo Newsweek, cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào đối phương. Vào tháng 8/1945, trong giai đoạn cuối Thế chiến II, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Ước tính có từ 110.000 đến 210.000 người đã thiệt mạng trong hai cuộc tấn công đó.
Theo Hữu Hiển (Nguoiduatin.vn)