Ông Abe nghỉ việc là cơ hội cho Hàn Quốc làm lành với Nhật Bản

15/09/2020 15:37:10

Ông Abe Shinzo từ chức thủ tướng Nhật Bản trước khi nghe được bất kỳ điều gì thân thiện từ Hàn Quốc. Những lời lẽ tử tế chỉ xuất hiện sau khi ông Abe kết thúc gần 8 năm cầm quyền vì lý do sức khỏe.

Ông Abe nghỉ việc là cơ hội cho Hàn Quốc làm lành với Nhật Bản
Ông Abe và ông Moon. (Ảnh: AP)

Dưới sự lãnh đạo của ông Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt của Mỹ rơi xuống mức thấp hơn, khi mâu thuẫn về lịch sử chiến tranh lan sang thương mại và quân sự. Sự thay đổi chính trị ở Nhật Bản vào thời điểm này có thể là cơ hội với Hàn Quốc, vì Seoul coi sự ra đi của ông Abe là cơ hội để dọn dẹp trở ngại giữa hai quốc gia.

Các quan chức cấp cao Hàn Quốc trong một cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia gần đây đã nói sẽ “thúc đẩy những cuộc đàm phán bị trì hoãn” sau khi Nhật có nhà lãnh đạo mới. Ông Yoshihide Suga, người từng là cánh tay phải của Thủ tướng Abe, vừa chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng cầm quyền, nắm chắc cơ hội trở thành thủ tướng kế nhiệm.

Ông Suga cũng đã nói đến việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. “Trung Quốc và Hàn Quốc là láng giềng, và dù vẫn còn những vấn đề khó khăn giữa chúng ta, tôi muốn theo đuổi ngoại giao để cho phép chúng ta luôn có thể trao đổi và phát triển quan hệ chiến lược với họ, thay vì chọn bên này hay bên kia”, ông Suga nói trong một cuộc họp gần đây.

Quan hệ tốt là điều quan trọng với cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dù vẫn còn mâu thuẫn chính trị, hai nước có sự kết nối gần gũi về kinh tế và đối mặt với những thách thức tương tự, bao gồm kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Triều Tiên và một Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt. 

Hai nước cũng phải xử lý những bất định dài hạn trong quan hệ đồng minh với Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách “Mỹ là trên hết” và kêu ca về chi phí duy trì lực lượng đồn trú ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Vá lại những khác biệt với Tokyo sẽ giúp cải thiện sự phối hợp trong liên minh với Mỹ, giúp quản lý những bất định ở khu vực liên quan đến Trung Quốc và giúp Seoul có vị thế tốt hơn trong quan hệ với Triều Tiên”, GS Leif-Eric Easley, công tác tại ĐH Ewha ở Seoul, nhận định.

Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là liệu sự ra đi của ông Abe có tạo nên bước chuyển ngoại giao tốt hơn hay không. Ân oán giữa hai nước rất sâu sắc và vượt lên khỏi những chính trị gia đơn lẻ.

Người Hàn Quốc còn không ưa ông Abe hơn cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, theo kết quả khảo sát vào tháng 11 năm ngoái của hãng Gallup Korea. Ông Abe bị nhiều người Hàn Quốc coi là người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, có ý định xóa sạch những tội lỗi mà quân đội Nhật Bản gây ra trên bán đảo Triều Tiên trước khi kết thúc Thế chiến 2.

Nhưng đổ lỗi tất cả cho ông Abe khiến quan hệ với Hàn Quốc tồi tệ sẽ không thể giải thích hết sự ủng hộ rộng rãi của dư luận trong nước mà ông nhận được đối với chính sách cứng rắn với Hàn Quốc.

Có một quan điểm rộng rãi ở Nhật Bản rằng Hàn Quốc vi phạm các quy tắc quốc tế khi nhiều lần nói lại các vấn đề chiến tranh vốn đã được giải quyết, bà Choi Eun-mi, một chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan Hàn Quốc, cho biết.

“Việc ông Abe từ chức tạo ra cơ hội để hai bên cải thiện quan hệ, nhưng sẽ là phi thực tế nếu kỳ vọng những thay đổi đáng kể”, bà nói.

Sẽ có cơ hội để nối lại đàm phán ngưng trệ giữa lãnh đạo hai nước, bao gồm hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Trung Quốc mà Hàn Quốc hy vọng tổ chức được vào tháng 11. Nhưng sẽ mất thời gian nhiều hơn để Seoul và Tokyo “tìm lại tầm quan trọng với nhau” vượt lên trên sự phụ thuộc về an ninh và hợp tác với Washington, bà Choi nói.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)

Nổi bật