Trong thông cáo báo chí toàn cầu hôm 26-11 đánh dấu tròn 1 năm biến chủng Omicron xuất hiện, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định vẫn đang cùng với các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng trên thế giới theo dõi các dòng con đang lưu hành để tìm các dấu hiệu của biến chủng đáng lo ngại tiếp theo.
Một năm trước, ngày 26-11-2021, WHO tuyên bố nhân loại đang phải đối phó "một thứ gì đó mới, khác biệt và phải nhanh chóng chuẩn bị". Đó chính là Omicron, biến chủng đã thay đổi quỹ đạo của đại dịch COVID-19. Chỉ trong 4 tuần sau đó, Omicron đã lan ra toàn cầu và nhanh chóng "soán ngôi" biến chủng thống trị cũ Delta. Tuy nhiên, xét về tổng thể, Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta.
Qua một năm theo dõi, WHO cho biết đã có tới hơn 500 dòng hậu duệ của Omicron đang lưu hành nhưng tin tốt là không có dòng nào được chỉ định là "biến chủng mới cần quan tâm".
Cho đến nay, các dòng phụ này có nhiều điểm chung: khả năng lây truyền cao, sao chép ở đường hô hấp trên và có xu hướng gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng đáng lo ngại trước đó. Tất cả đều chứa các đột biến thoát miễn dịch. "Điều này có nghĩa là chúng giống nhau về tác động đối với sức khỏe cộng đồng và cách ứng phó cần thiết" - WHO khẳng định.
Theo WHO, điều cần quan tâm nhất hiện nay vẫn là tăng cường giám sát để sớm phát hiện biến chủng mới cần quan tâm nếu có. Thống kê mới nhất của WHO cho thấy đáng chú ý nhất hiện nay là các hậu duệ của BA.5, nhất là BQ.1 và "con" là BQ.1.1 đang tăng tỉ lệ từ 19% lên 23,2% trên toàn cầu trong tuần lễ gần nhất.
Cặp đôi BQ.1 - BQ.11 cũng đang gây lo ngại trong mùa lễ hội cuối năm ở Mỹ. Theo kênh CNBC, thống kê công bố hôm 25-11 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra chúng đã chiếm tới 57% các ca COVID-19 mới, trong khi BA.5 "gốc" chỉ còn chiếm 1/5.
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết cặp đôi BQ.1 - BQ.11 có khả năng thoát miễn dịch cao hơn, có khả năng kháng lại các thuốc điều trị COVID-19 phổ biến tại Mỹ như Evusheild và bebtelovimab.
Điều này có thể ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch kém (cao tuổi, bệnh nền, người ghép tạng, đang hóa trị…) do họ vừa có nguy cơ mắc COVID-19 nặng vừa là những người cần dùng đến thuốc điều trị COVID-19.
Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khuyên những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nêu trên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung trong mùa đông này.
Biến chủng XBB cũng đang lưu hành ở mức thấp, 3%, tại Mỹ. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Anthony Fauci cảnh báo XBB thậm chí có khả năng thoát miễn dịch cao hơn các dòng BQ, làm cho vắc-xin thế hệ mới được thiết kế chống lại BA.5 trở nên kém hiệu quả hơn, dù các mũi tiêm vẫn bảo vệ khỏi bệnh nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một tuyên bố trước đó của WHO cho thấy tín hiệu khả quan rằng dường như XBB chủ yếu gây tái nhiễm ở nhóm cựu F0 thời "tiền Omicron".
Theo người đứng đầu Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) Takaji Wakia, quốc gia này cũng đang trong làn sóng COVID-19 thứ 8 với XBB và BQ.1 chiếm lần lượt 5% và 13% các ca mới.
Giáo sư Atsuo Hamada từ Trường ĐH Y khoa Tokyo trấn an rằng dù COVID-19 lây lan dễ hơn vào mùa đông nhưng biến chủng mới XBB và BQ.1 vẫn là những dòng Omicron mà vắc-xin ngăn chặn được các triệu chứng nghiêm trọng.
Ngày 27-11, Trung Quốc báo cáo số người mắc COVID-19 cao kỷ lục trong 24 giờ trước đó với 39.791 ca, tiếp tục tăng so với mức 35.183 ca của 1 ngày trước. Thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn khác tiếp tục siết chặt phong tỏa để cố ngăn chặn làn sóng mới. Trong đó, Bắc Kinh đang ghi nhận số người mắc tăng nhanh nhất với 4.307 ca, tăng 66% so với 1 ngày trước; Trùng Khánh có 8.861 ca, tăng 15%.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)