Phát biểu trong chương trình “Gặp gỡ báo chí" của đài NBC News, ông Collins nói: "Có khả năng đây không phải là biến thể mới nổi cuối cùng thu hút rất nhiều sự chú ý và mối lo ngại. Virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục biến đổi từ virus corona ban đầu xuất hiện ở TP Vũ Hán - Trung Quốc".
Ông Collins cũng suy đoán Omicron phát triển trong một người suy giảm miễn dịch bị nhiễm một biến thể virus SARS-CoV-2 khác.
"Omicron có số lượng đột biến lớn nhất mà chúng ta đã thấy cho đến nay - khoảng 50 đột biến - so với virus gốc. Dường như nó bắt nguồn từ một người suy giảm miễn dịch, ở trong cơ thể đó nhiều tháng và nảy sinh thêm nhiều đột biến trong khoảng thời gian ấy. Nếu chúng ta không xây dựng hệ thống bảo vệ miễn dịch toàn cầu, sẽ có một biến thể khác xuất hiện" - ông Collins cảnh báo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron như một biến thể đáng lo ngại. Từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, biến thể này đã lây lan sang hơn 40 nước, bao gồm cả Mỹ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 5-12, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Anthony Fauci, đề cập "tín hiệu đáng khích lệ về biến thể Omicron": "Cho đến nay, Omicron có vẻ như không gây ra mức độ nghiêm trọng. Nhưng chúng ta thực sự phải cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Các nhà khoa học cần thêm thông tin trước khi kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron".
Các báo cáo từ Nam Phi cho thấy tỉ lệ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron đã không tăng lên mức đáng báo động.
Ông Fauci cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với người từ nhiều nước châu Phi vào Mỹ.
Ngay cả khi Omicron dường như ít nguy hiểm hơn biến thể Delta, chuyên gia dịch tễ WHO Maria Van Kerkhove nói với đài CBS News: "Dù một số lượng lớn các trường hợp mắc biến thể Omicron đều nhẹ nhưng một số người vẫn phải nhập viện, vào phòng chăm sóc đặc biệt và tử vong. Chúng ta không muốn làn sóng chết chóc với biến thể Delta lặp lại".
Trong khi đó, đài phát thanh Govorit Moskva ngày 4-12 dẫn lời chuyên gia trưởng về các bệnh truyền nhiễm của Cơ quan Sinh học Y khoa Liên bang Nga Vladimir Nikoforov cho rằng Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đại dịch Covid-19 "sắp kết thúc".
"Chủng mới có nguồn gốc từ đâu đó ở Nam Phi, khả năng lây lan cao hơn. Nhưng mặt khác, có dữ liệu chỉ ra rằng nó gây ra những triệu chứng ít nghiêm trọng. Nói cách khác, nó không gây hại nặng cho phổi. Tôi nghĩ rằng đó có thể là sự khởi đầu của việc chấm dứt cơn ác mộng này, dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus đã bắt đầu rút lui" - ông Nikiforov nhận định và nói thêm Omicron có thể khiến Covid-19 trở thành bệnh đường hô hấp theo mùa thông thường.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)