Oanh tạc cơ Trung Quốc hạ cánh chớp nhoáng ở Hoàng Sa

18/05/2018 21:30:10

Chiếc máy bay ném bom H-6K diễn tập hạ cánh và cất cánh ngay tại đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 Oanh tạc cơ H-6K thực hành hạ, cất cánh trên đảo Phú Lâm.

Trang 81.cn, website chính thức của quân đội Trung Quốc (PLA), hôm nay đăng hình ảnh cho thấy một oanh tạc cơ H-6K của không quân nước này thực hành huấn luyện hạ cánh trên đường băng ở Biển Đông.

Tài khoản mạng xã hội của PLA sau đó đăng video cho thấy chiếc oanh tạc cơ mang số hiệu 41175 hạ cánh và ngay sau đó cất cánh từ đường băng có ký hiệu 23. Phân tích dựa theo dữ liệu địa lý của video, các chuyên gia của trang Alert5 xác định đường băng số 23 này nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

H-6K là bản nâng cấp hiện đại nhất của H-6, oanh tạc cơ chủ lực của không quân Trung Quốc được sao chép từ máy bay Tupolev Tu-16 Liên Xô. Ra mắt từ năm 2007, H-6K trang bị động cơ D-30KP của Nga, có bán kính tác chiến khoảng 3.200 km hoặc 5.630 km nếu được tiếp dầu trên không.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.

Oanh tạc cơ Trung Quốc hạ cánh chớp nhoáng ở Hoàng Sa
Đường băng mang ký hiệu 23 Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm. Ảnh: Google Earth. 

Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm. Năm 2016, PLA từng triển khai chiến đấu cơ J-11 và tiêm kích bom JH-7 tới hạ cánh trên đường băng tại đảo Phú Lâm.

Việc Trung Quốc cho oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm diễn ra trong bối cảnh nước này vừa triển khai các tên lửa chống hạm, phòng không trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo Bình An (VnExpress.net)

Nổi bật