Nước nào đang là chủ nợ lớn nhất thế giới?

28/05/2024 22:52:35

Với tài sản ròng bên ngoài đạt mức 471,3 nghìn tỷ yên, Nhật Bản dẫn đầu danh sách chủ nợ lớn nhất thế giới. Theo sau là Đức và Trung Quốc với giá trị lần lượt 454,8 nghìn tỷ yên và 412,7 nghìn tỷ yên.

Ngày 28/5, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo tài sản ròng bên ngoài Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục là 471,3 nghìn tỷ yên (khoảng 3 nghìn tỷ USD) vào năm 2023, đánh dấu năm thứ sáu tăng liên tiếp.

Bộ Tài chính nước này cho biết sự suy giảm của đồng yên cùng hoạt động mua lại các công ty ở nước ngoài làm tăng giá trị tài sản nước ngoài. Mỗi năm, mức tăng giá trị tài sản ròng bên ngoài do chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản nắm giữ lên đến 51.000 tỷ yên.

Nhờ đó, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí chủ nợ hàng đầu thế giới. Cơ quan nhà nước của Nhật đồng thời liệt kê Đức là chủ nợ lớn thứ hai thế giới với 454,8 nghìn tỷ yên, Trung Quốc đứng thứ ba với tài sản ròng bên ngoài là 412,7 nghìn tỷ yên, tính đến cuối năm 2023.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo tổng tài sản bên ngoài của Nhật đạt mức 1.488 nghìn tỷ yên, trong khi nợ nước ngoài là 1.017 nghìn tỷ yên. Chính quyền Nhật Bản đồng thời công bố dữ liệu số dư tài khoản vãng lai sửa đổi. Trong cả năm 2023, thặng dư tài khoản vãng lai của quốc gia này là 21,4 nghìn tỷ yên, cao hơn con số ước tính trước đó là 20,6 nghìn tỷ yên.

Nước nào đang là chủ nợ lớn nhất thế giới?
Hình ảnh người dân Nhật tại khu mua sắm sầm uất tại Tokyo, Nhật Bản.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố giá dịch vụ doanh nghiệp Nhật Bản trong tháng 4 ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ đầu năm 2015.

Chỉ số giá dịch vụ doanh nghiệp (CSPI) đã tăng 2,8% so với cùng kỳ, sau mức tăng 2,4% của tháng trước. Trong tháng 4, giá dịch vụ tăng 0,7%, chậm lại so với mức 0,9% của tháng 3.

Chỉ số CSPI được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ nhằm tìm kiếm mức lương ổn định thúc đẩy lạm phát do nhu cầu. Đây điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất nhằm chấm dứt tình trạng lãi suất âm.

Từ lâu, mức lương thấp so với chất lượng sống tại Nhật Bản là trở ngại cho việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gần đây thực hiện đợt tăng lương lớn nhất sau nhiều thập kỷ. Điều này được các chuyên gia cho là lý do dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thay đổi chính sách.

Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang phát tín hiệu tăng lãi suất do giá trị đồng yên suy giảm, tình trạng kinh tế không ổn định.

Theo Trạch Dương (Tiền Phong)