Một nghiên cứu mới đang được tiến hành để xác định nguyên nhân, cũng như những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Trái đất nóng lên đang khiến mực nước biển dâng trên toàn thế giới, với mức tăng trung bình hiện nay là 3,6 mm/năm - so với 1,4 mm/năm trong phần lớn thế kỷ 20, theo báo The Guardian.
Các vùng biển của Trung Quốc đang chứng kiến nước biển dâng nhanh hơn đáng kể, với mức dâng trung bình dọc ven biển là 3,9 mm/năm.
Viết trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý: Đại dương, chuyên gia Dongxu Zhou của Bộ Tài nguyên thiên nhiên ở Thanh Đảo và đồng nghiệp khẳng định nguyên nhân có thể bao gồm biển Trung Quốc đang ấm lên nhanh hơn, áp suất không khí thấp hơn trong khu vực, các dòng chảy ven bờ và gió bất thường.
Hơn 40% dân số và 60% ngành công nghiệp của Trung Quốc tập trung tại các khu vực ven biển thấp, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do nước biển dâng.
Theo báo Financial Times, Trung Quốc có thể tổn thất hàng ngàn tỉ USD hoạt động kinh tế dọc bờ biển phía Đông, bao gồm 974 tỉ USD ở riêng TP Thượng Hải, vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này.
Được thiết lập dựa trên dự báo về mực nước biển trong năm 2100, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội và dân số cho biết hoạt động của một số trung tâm thương mại quan trọng nhất ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng vì nước biển dâng cao và lũ lụt hàng năm, nếu quốc gia này không mạnh tay cắt giảm khí thải nhà kính.
TP Thượng Hải, trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc được xây dựng giữa cửa sông Dương Tử và vịnh Hàng Châu, là nơi chịu rủi ro lớn nhất, với tổn thất tài chính có thể lên đến 973,7 tỉ USD.
Hai thành phố cách Thượng Hải chưa đến 100 km về phía Tây – Tô Châu và Gia Hưng – lần lượt đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách 34 thành phố bị nước biển dâng đe dọa, với tổn thất ước tính 330,3 tỉ USD và 128,8 tỉ USD.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)