Khi nhắc tới Nhật Bản, nhiều người sẽ nghĩ tới ngay ngọn núi Phú Sĩ - một biểu tượng quốc gia của xứ sở mặt trời mọc . Tuy đẹp là vậy nhưng cũng đừng quên rằng đây là một ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động và sức mạnh của nó đủ sức tàn phá những khu vực xung quanh chỉ trong vài giây.
Gần đây, nhiều cư dân mạng ở Nhật Bản có chia sẻ nhiều hình ảnh bất thường của ngọn núi biểu tượng này. Đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 12 trở đi, đỉnh núi Phú Sĩ không còn tuyết như trước nữa dù đang là mùa đông giá lạnh.
Trong một bức ảnh được chụp vào ngày 21/12, một người dùng Twitter đã bày tỏ thắc mắc: "Đây là núi Phú Sĩ của ngày hôm nay, vào tháng 12... Tại sao lại không có tuyết? Thật kỳ lạ..."
Chính sự "thiếu thốn" về tuyết này của Phú Sĩ đã khiến nhiều cư dân mạng bày tỏ lo ngại về dấu hiệu của một đợt phun trào mới và nếu điều đó xảy ra thì thực sự là một thảm hoạ.
"Núi Phú Sĩ trông như sắp bùng nổ vậy."
"Đừng phun trào nhé, Phú Sĩ."
"Một bên đỉnh núi không có tuyết kìa mặc dù trời đang rất lạnh. Liệu nó sẽ phun trào chăng? Vào đúng dịp năm mới...?"
"Tuyết đang rơi rất nhiều ở khu vực đông bắc của Kanto và nhiệt độ cũng thấp nữa nhưng sao lại không có tuyết ở Phú Sĩ? Điều này thật đáng sợ!"
Theo SoraNews24, lần gần nhất núi Phú Sĩ phun trào là cách đây hơn 3 thế kỷ, vào năm 1707. Và theo ghi nhận của các chuyên gia, rất nhiều người đang có nguy cơ đối mặt với một cuộc phun trào, lớn tới nỗi có thể nhìn thấy tro bụi từ Tokyo và Chiba.
Trên thực tế, nhiều hình ảnh lại ghi nhận được tuyết rơi ở một bên của ngọn núi và đang có nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng Phú Sĩ "trần trụi" như vậy là do gió quá mạnh đã đưa tuyết sang phía khác.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn thường xuyên kiểm tra mức CO2 tại núi Phú Sĩ để phát hiện dấu hiệu của chuyện động magma. Vì thế nên việc núi Phú Sĩ có cảnh tượng bất thường khác hẳn mọi khi không phải là điều gì quá đáng ngại.
Theo Nhật Thành (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)