Nữ sinh này là Pok Wong – người đang kiện ĐH Anglia Ruskin số tiền khoảng hơn 60.000 bảng. Cô cho rằng việc trường này khẳng định về “một nền giáo dục có chất lượng và triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp” là gian dối.
Trường hợp này có thể được coi là một tiền lệ cho các trường đại học về cách trình bày các khóa học của mình trong nội dung quảng cáo. Bởi vì khi các sinh viên phải chi khoảng 9.000 bảng mỗi năm, họ sẽ đòi hỏi những giá trị xứng đáng với số tiền đó, cũng như việc họ sẽ xem mình là một khách hàng nhiều hơn.
Wong cho biết, cô đã chuyển từ Hồng Kông tới học ở Trường Kinh doanh quốc tế Lord Ashcroft trực thuộc đại học này sau khi bị thuyết phục bởi những lời cam kết hấp dẫn của trường.
Tuy nhiên, cô gái 29 tuổi này cho rằng trường đã vi phạm hợp đồng và khai báo gian lận khi đưa ra ví dụ về một giảng viên đến lớp muộn, đồng thời sinh viên bị yêu cầu ‘tự học’.
Tấm bằng này “không đóng vai trò gì trong việc giúp đảm bảo một công việc xứng đáng với nhiều triển vọng” – cô nói. Trong khi đó, trường đã hứa hẹn rằng khóa học sẽ giúp sinh viên được trang bị tốt cho các công việc trong giới kinh doanh sau 2 năm “giảng dạy chất lượng cao”.
Wong cũng tổ cáo trường đã ‘nhốt’ cô trong một căn phòng khi cố gắng nói lên sự thật về chất lượng của khóa học trong lễ tốt nghiệp.
Wong cũng hi vọng rằng trường hợp của cô sẽ khuyến khích những sinh viên khác lên tiếng đòi hỏi những giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra, đồng thời nhận được bồi thường nếu trường không làm được như những gì đã cam kết.
Nguyễn Thảo (VietNamNet)