Một sinh viên Trung Quốc ném ly tào phớ vào người sĩ quan cảnh sát canh gác ga tàu điện ngầm ở thủ đô Manila. Cô bị bắt giữ và phải đối mặt với lệnh trục xuất từ nhà chức trách Philippines.
Vụ việc tưởng chừng đơn giản đã làm bùng lên cuộc tranh luận về tư cách của người Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này và mối quan hệ giữa tầng lớp tinh hoa chính trị Manila với Bắc Kinh.
Tấn công bằng tào phớ
Zhang Jiale, nữ sinh viên 23 tuổi người Trung Quốc, bị chặn lại tại cửa ra vào ga tàu điện ngầm ở Manila bởi sĩ quan cảnh sát William Cristobal hôm 10/2. Sĩ quan này yêu cầu nữ sinh Trung Quốc phải ăn hết ly tào phớ (tiếng Philippines là "taho", tức "đậu hũ", "tàu hũ" như cách gọi ở miền Nam) trước khi bước vào ga tàu điện.
Theo quy định mới ban hành, nhà chức trách đã cấm hành khách mang chất lỏng lên tàu điện ngầm nhằm đối phó với mối đe dọa đánh bom khủng bố.
Không hài lòng khi bị cản trở hành trình, nữ sinh viên năm nhất của Viện đại học thiết kế SoFA đã ném ly tào phớ vào sĩ quan Cristobal.
Theo tờ Philippine Star, sinh viên Zhang đã bị cảnh sát bắt giữ. Nữ sinh người Trung Quốc bị cáo buộc tội chống người thi hành công vụ, tấn công trực tiếp và gây rối.
Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines Oscar Albayalde đã yêu cầu cảnh sát Manila tiến hành các biện pháp cần thiết để nhanh chóng trục xuất Zhang về nước.
"Tôi đã ra chỉ thị cho cảnh sát Manila phối hợp với Cục Di trú nhằm trục xuất cô ta, một người ngoại quốc không được chào đón ở đây", ông Albayalde tuyên bố với báo giới.
Sau khi bị bắt, Zhang đã đưa ra lời xin lỗi. Nữ sinh viên người Trung Quốc đã sống tại Philippines trong 6 năm cho biết đã có tâm trạng không tốt và không kiềm chế được cảm xúc khi vụ việc xảy ra.
"Tôi thực sự, thực sự xin lỗi. Tôi cầu mong có được cơ hội thứ hai. Tôi rất thích đất nước Philippines, vì vậy tôi mong muốn được sống tại đây. Tôi yêu con người Philippines", Zhang nói.
Tranh cãi về quan hệ với Trung Quốc
Hình ảnh sĩ quan Cristobal với chiếc áo lấm lem nước và chất trắng mềm làm từ đậu nành nhanh chóng được chia sẻ trên các mạng xã hội cũng như truyền thông truyền thống tại Philippines.
Vụ việc đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ trong công chúng Philippines. Nhiều người nêu lên mối lo ngại trước tình trạng du khách Trung Quốc đang ngập tràn quốc đảo này. Người Philippines cũng không quên chỉ trích các khoản đầu tư bị coi là bất bình đẳng, hay thậm chí tranh chấp trên Biển Đông âm ỉ lâu nay với Trung Quốc.
Phản ứng trước cơn giận dữ bất thường từ công chúng, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddyboy Locsin kêu gọi người dân kiềm chế và không thổi phồng vấn đề.
"Cô ấy chỉ tấn công bằng 'taho' thôi chứ đâu có xâm phạm lãnh thổ của chúng ta", ông Locsin viết trên Twitter.
Thế nhưng, cách biện hộ của vị ngoại trưởng không làm vừa lòng đa số. Phó tổng thống Leni Robredo, một đối thủ chính trị của đương kim tổng thống Rodrigo Duterte, cho rằng vụ việc tại ga tàu điện ngầm là "tiếng gọi thức tỉnh" đối với người Philippines trước những đặc ân mà người Trung Quốc được hưởng tại quốc gia này.
"Đó không chỉ là đòn tấn công vào một cảnh sát, đó là đòn tấn công vào người dân Philippines", bà Robredo phát biểu trên sóng phát thanh quốc gia.
Phát biểu nặng tính cáo buộc của bà Robredo được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Philippines đăng tải hàng loạt phóng sự cho thấy lao động bất hợp pháp nước ngoài, số lớn trong đó đến từ Trung Quốc, đang chiếm lấy việc làm của người dân địa phương.
Liệu có còn 24 tỷ USD?
Khi vấn đề không chỉ còn nằm trên mạng xã hội mà bắt đầu nhuốm màu chính trị, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte đáp trả ngược lại lời cáo buộc của bà Robredo.
"Nó có lẽ là lời cảnh tỉnh để bà ấy (Robredo) chấm dứt những suy đoán và ngừng đưa ra những phát biểu làm phức tạp thêm tình hình", Salvador Panelo, phát ngôn viên tổng thống, cho biết hôm 11/2.
Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã tỏ ý lấy làm xấu hổ vì cách cư xử của nữ sinh viên Zhang. Nhiều người còn kêu gọi chính phủ Philippines không trục xuất Zhang bởi chính người Trung Quốc cũng không chấp nhận cảnh hành xử như vậy.
Trung Quốc và Philippines bắt đầu xây dựng quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi từ khi ông Duterte nắm quyền tổng thống năm 2016. Dưới thời Duterte, quan hệ song phương trái ngược hẳn với thời kỳ căng thẳng khi cựu tổng thống Benigno Aquino nắm quyền.
Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Duterte có được cam kết đầu tư và cho vay trị giá 24 tỷ USD từ phía Bắc Kinh nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia. Trong chiến lược kinh tế tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Duterte tiến hành, hơn một nửa số dự án được tài trợ bởi Trung Quốc.
Thế nhưng, sau gần 3 năm, số tiền Trung Quốc giải ngân cho Philippines chưa đạt con số 100 triệu USD. Điều này làm dấy lên nhiều nghi ngờ về sự đáng tin trong cam kết mà Bắc Kinh đưa ra để lấy lòng Manila, khiến uy tín chính quyền Tổng thống Duterte bị sứt mẻ đáng kể.
Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh và Manila tiếp tục lún sâu vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Thái độ "mềm mỏng" có phần nhượng bộ của Tổng thống Duterte cũng không ít lần khiến ông bị phe đối lập chỉ trích.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)