Joanna Palani chiến đấu chống IS ở Syria. Ảnh: Twitter |
Joanna Palani, 22 tuổi, từ bỏ cuộc sống an nhàn trong trường đại học ở Copenhagen tới Trung Đông "đấu tranh vì nhân quyền cho tất cả mọi người". Cô lần lượt tới Iraq, sau đó là Rojova ở Syria để chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trở về Đan Mạch, Palani kể lại cảnh tượng kinh hoàng và tàn bạo cô chứng kiến ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá, từ nỗi đau nhìn thấy trẻ em bị đem đi làm nô lệ tình dục cho tới bất lực nhìn đồng đội hy sinh.
"Giết IS rất dễ", Palani cười to nói. "Chúng chỉ giỏi đánh bom tự sát, còn lính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được huấn luyện bài bản, họ là những chuyên gia chiến đấu".
Cô chiến đấu bên cạnh Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) trong 6 tháng, trước khi gia nhập lực lượng dân quân Peshmerga thêm 6 tháng nữa. Trong đêm đầu tiên trên tiền tuyến, Palani lần đầu tiên nhìn thấy cảnh chết chóc. Đồng đội của cô bị một tay súng bắn tỉa giết chết sau khi hắn nhận ra anh ta qua khói thuốc lá bốc lên.
Palani bất lực nhìn cảnh đồng đội người Thụy Điển hy sinh, máu anh bắn lên đồng phục mới toanh cô đang mặc. Học bắn súng từ năm 9 tuổi, Palani phát hiện mình có tài thiện xạ khi chiến đấu ở Syria. Cô cũng đảm nhận việc huấn luyện các chiến binh trẻ người Kurd.
Trong thời gian này, Palani thường xuyên nghe câu chuyện khủng khiếp từ các thiếu nữ bị IS giam cầm làm nô lệ tình dục về nỗi đau hàng ngày bị hãm hiếp và khát khao chạy trốn.
"Dù là người cầm súng, tôi vẫn cảm thấy đau đớn khi biết được một cô bé 10 tuổi sắp chết vì xuất huyết sau khi bị hãm hiếp", Palani nói.
Đầu năm ngoái, Palani sốc khi phát hiện một "nhà giam giữ" trong ngôi làng gần thành phố Mosul, Iraq. Ở đó có vô số trẻ em và thiếu nữ bị IS đem làm nô lệ tình dục cho các tay súng. Một nạn nhân mới 11 tuổi, mang song thai và chết khi sinh nở.
Cô gái từng chiến đấu ở điểm nóng Trung Đông tiếp tục theo học đại học Đan Mạch. Ảnh: Twitter |
Tháng trước, Palani trở về Đan Mạch nghỉ phép sau hơn một năm ở điểm nóng Trung Đông. Tuy nhiên, mới về được ba ngày, cảnh sát thông báo hộ chiếu của Palani đã hết giá trị, không thể quay lại Syria hay Iraq vì cô có thể bị xử tù tới 6 năm theo luật mới ngăn chặn những kẻ cuồng tín muốn gia nhập IS.
Palani tiếp tục học triết và chính trị ở Copenhagen, nhưng vẫn day dứt vì cảm thấy mình đã bỏ rơi đồng đội và các bé gái là nạn nhân bị lạm dụng ở Trung Đông.
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)