Nữ phi công duy nhất của quân đội Afghanistan xin tị nạn ở Mỹ

27/12/2016 08:09:00

Niloofar Rahmani, nữ phi công duy nhất của quân đội Afghanistan, đã nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ vì "lo lắng cho tính mạng của mình".

Niloofar Rahmani, nữ phi công duy nhất của quân đội Afghanistan, đã nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ vì "lo lắng cho tính mạng của mình".

Nữ phi công Niloofar Rahmani.
 

Ngày 25/12, Bộ Quốc phòng Afghanistan xác nhận nữ phi công quân sự duy nhất của nước này Niloofar Rahmani đã nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ sau khi kết thúc khóa học chuyển loại máy bay ở nước này, theo NYTimes.

Lý giải cho việc làm này, Rahmani, 25 tuổi, cho biết mọi việc đang trở nên tồi tệ ở quê hương nên cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nộp đơn xin tị nạn.

"Tôi muốn bay để phục vụ đất nước mình, đó là điều tôi luôn muốn làm. Nhưng tôi lo sợ cho tính mạng của mình", Rahmani nói với Wall Street Journal.

Nữ đại úy Rahmani được Bộ Ngoại giao Mỹ tặng Huân chương Quả cảm vào năm 2015 và trở thành biểu tượng cho ý chí và tài năng của phụ nữ ở Afghanistan, quốc gia từng bị Taliban thống trị.

Cô tốt nghiệp học viện không quân năm 2012 và được bố trí bay máy bay vận tải quân sự C-208, sau đó được cử sang Mỹ để học chuyển loại máy bay C-130.

Tuy nhiên, danh tiếng của Rahmani cũng đi liền với những hiểm họa. Phiến quân Taliban từng nhiều lần đe dọa sẽ sát hại cô. Ngay cả một số người thân của Rahmani cũng phản đối việc một phụ nữ như cô trở thành phi công, khiến gia đình cô phải nhiều lần chuyển chỗ ở.

Nếu đơn xin tị nạn được chấp thuận, Rahmani cho biết cô sẽ tiếp tục nghiệp bay, hoặc là tham gia Không quân Mỹ hoặc trở thành phi công thương mại. Cô cho hay tất cả những gì đã trải qua là vì cô thực sự muốn ngồi trên khoang lái.

Rahmani là nữ phi công lái máy bay cánh bằng đầu tiên trong lịch sử Afghanistan và của quân đội nước này kể từ sau khi phiến quân Taliban sụp đổ vào năm 2001. Nữ phi công từng chia sẻ mục đích cuối cùng là trở thành người hướng dẫn bay để truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác.

Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết chính phủ nước này hy vọng Mỹ sẽ bác bỏ đơn xin tị nạn của Rahmani, phủ nhận việc tính mạng của cô bị đe dọa. "Chúng tôi hy vọng cô ấy thay đổi ý định, trở về nước và tiếp tục phục vụ như một phi công", tướng Mohammad Radmanish, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan, nói.

Theo Khánh Lynh (VnExpress.net)

Nổi bật