Nữ nhân lãnh đạo khởi nghĩa Bạch Liên Giáo từng khiến vua Càn Long mất ăn mất ngủ

28/11/2018 13:52:00

Khởi nghĩa Bạch Liên giáo (1796-1804) là sự kiện nổi dậy vũ trang của giáo đồ Bạch Liên giáo ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam và Hồ Bắc, chống lại chính quyền nhà Thanh cuối đời Càn Long – đầu Gia Khánh. Và người đứng đầu dẫn dắt cuộc khởi nghĩa Bạch Liên giáo, lại là một… nữ nhân tuổi đôi mươi.

Vương Thông Nhi sinh năm 1777, không rõ nguyên quán. Sớm mồi côi cha và học nghề tạp kỹ từ mẹ nên nàng đặc biệt thông thạo các ngón cưỡi ngựa ném thừng, múa đao đánh gậy.

Nữ nhân lãnh đạo khởi nghĩa Bạch Liên Giáo từng khiến vua Càn Long mất ăn mất ngủ
Vương Thông Nhi - lãnh đạo số 1 cuộc khởi nghĩa Bạch Liên Giáo chống lại nhà Thanh

Hai mẹ con họ Vương mãi võ kiếm sống, lưu lạc khắp vùng nam bắc. Đến Tương Dương, nàng gặp gỡ và được giúp đỡ bởi thủ lĩnh 1 nhánh Bạch Liên giáo Tề Lâm và trở thành giáo đồ. Sau đó, hai người Vương, Tề kết làm vợ chồng, mượn nghề mại võ che đậy việc truyền giáo.

Bạch Liên giáo (Giáo phái thờ Bông sen trắng) là một giáo phái chịu ảnh hưởng của Phật giáo, được cho là hình thành từ thời kỳ nhà Nguyên khi người Mông Cổ thống trị Trung Quốc. Bạch Liên giáo phát triển mạnh ở thời Minh và nhà Thanh. Đây là một tôn giáo thần bí với nhiều nghi thức tế lễ rất phức tạp. Đứng đầu Bạch Liên giáo là Bạch liên giáo chủ dưới có tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ.

Bạch Liên giáo sùng phụng Vô sanh lão mẫu và Di Lặc phật, lấy 8 chữ “Chân không gia hương, Vô sanh lão mẫu” làm chân quyết, cho người ta chỗ dựa về mặt tinh thần. Đối với hoàn cảnh khổ sở của lưu dân mà nói, tuyên truyền của Bạch Liên giáo có sức hấp dẫn rất lớn, nên người gia nhập ngày một nhiều.

Sau khi nhập giáo, "người trong giáo sẽ thu lấy gia tài, chia đều cho mọi người". Phàm đã là giáo đồ của Bạch Liên thì "mặc áo ăn cơm, không phân ngươi – ta”, "có vạ cùng cứu, có nạn cùng chết", "không giữ một đồng, vẫn có thể đi khắp thiên hạ"… Đây là những khẩu hiệu tuyên truyền phù hợp với yêu cầu bình quân, bình đẳng và được giúp đỡ của dân nghèo, lại thỏa mãn nguyện vọng phản kháng cầu sinh.

Nữ nhân lãnh đạo khởi nghĩa Bạch Liên Giáo từng khiến vua Càn Long mất ăn mất ngủ - 1
Hình tượng Vương Thông Nhi trong tranh Trung Quốc

Cuối thời Càn Long nhà Thanh, Hòa Thân lộng quyền, triều chính hủ bại, quan lại tham ô, địa chủ bức hại khiến cho nhân dân cùng khổ rên xiết. Lại thêm giai cấp thống trị phong kiến sinh hoạt xa xỉ, tham quan ô lại hoành hành, tâm lý bất mãn ngày một dâng cao, nội dung tuyên truyền của Bạch Liên giáo cũng theo đó tăng thêm nhiều yếu tố phản kháng hiện thực, và ngày càng phát triển thành một thế lực lớn mạnh.

Thấy vậy, Càn Long, vốn luôn coi Bạch Liên Giáo là tà giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan nên đã truyền lệnh cho các tỉnh lỵ ra quân đàn áp giáo phái này. Thủ lĩnh Bạch Liên giáo các nơi, trước tình hình này, đã ngầm kêu gọi khởi nghĩa. Nhân việc Càn Long nhường ngôi cho con trai Gia Khánh, vợ chồng Vương Thông Nhi - Tề Lâm cho rằng điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, dự định khởi sự vào tiết Nguyên Tiêu năm Gia Khánh đầu tiên (1796).

Nhưng chưa kịp hành động thì tin tức bại lộ, Tề Lâm cùng hơn 100 giáo đồ bị bắt và ngay lập tức bị hành quyết. Sau khi Tề Lâm chết, Vương Thông Nhi được đề cử thay chồng nắm chức thủ lĩnh Bạch Liên giáo – nhánh Tương Dương, tiếp tục trù bị kế hoạch khởi nghĩa.

Ngày 15/3 cùng năm, Vương Thông Nhi và đồ đệ của Tề Lâm là Diêu Chi Phú phát động khởi nghĩa vũ trang. Nghĩa quân Bạch Liên giáo đề cử bà làm "tổng chỉ huy", lực lượng phát triển lên đến 5 vạn người. Vương Thông Nhi, theo đó chia quân làm 3 lộ, tiến đánh Hà Nam.

Nữ nhân lãnh đạo khởi nghĩa Bạch Liên Giáo từng khiến vua Càn Long mất ăn mất ngủ - 2
Sự phát triển của Bạch Liên Giáo khiến Càn Long và đời con ông - Gia Khánh lo lắng khôn cùng

Chiến lược và chiến thuật khởi binh của Vương Thông Nhi rất rõ ràng: đánh du kích. Nghĩa quân của Vương Thông Nhi không chính diện nghênh chiến quan quân, không đi nơi bằng phẳng tránh xa đường lớn mà chia thành nhiều đội nhỏ mỗi đội không quá trăm người, lúc phân lúc hợp, chợt nam chợt bắc, mê hoặc quan quân rồi bất ngờ tập kích.

Năm thứ 2 (1797), quân của Vương Thông Nhi vào đến Tứ Xuyên hội sư với nghĩa quân ở đó, lực lượng phát triển lên đến 15 vạn người. Để tiện chỉ huy, nghĩa quân được chia làm 8 lộ, Vương Thông Nhi được đề cử làm Thống sư của cả tám lộ quân.

Nhận thấy việc tiễu phạt không hiệu quả, thậm chí còn hao binh tổn tướng, quốc khố trống rỗng, Vua Gia Khánh muôn phần lo sợ. May thay, Tổng binh Đức Lăng Thái kịp thời bày ra diệu kế "kiên bích thanh dã – tường chắc đồng trống".

Theo kế này, triều đình lệnh cho địa chủ các nơi xây lũy dựng bảo, tổ chức các đoàn vũ trang (gọi là trại bảo đoàn luyện), dồn dân vào đó. Kế này không chỉ ngăn trở mối liên lạc giữa quần chúng và Bạch Liên giáo mà còn giúp quan quân trữ được lương thảo, luyện thêm tráng đinh. Hoạt động của nghĩa quân Bạch Liên giáo, trong bối cảnh bị chặn nguồn bổ sung nhân lực và vật lực, ngày càng kiệt quệ.

Năm thứ 3 (1798), nhằm phá vỡ vòng vây của quan quân ở Xuyên Bắc, Vương Thông Nhi soái 2 vạn nghĩa quân tấn công Tây An, nhưng thất bại. Binh bại như núi đổ, nghĩa quân của Vương Thông Nhi bị quan quân triều đinh truy đuổi gắt gao.

Nữ nhân lãnh đạo khởi nghĩa Bạch Liên Giáo từng khiến vua Càn Long mất ăn mất ngủ - 3
Tượng đài Vương Thông Nhi cùng các lãnh đạo nghĩa quân Bạch Liên giáo tại Tứ Xuyên

Tại ngã ba sông thuộc huyện Vân Tây, quân Bạch Liên giáo trước sau lưỡng đầu thọ địch, bị bao vây trùng trùng. Vương Thông Nhi đưa quân lui về Mao Sơn, nhận thấy không thể đột vây, bèn cùng Diêu Chi Phú nhảy khỏi vách núi tự sát. Khi ấy nàng mới chỉ 22 tuổi.

Cái chết của Vương Thông Nhi và thất bại của cuộc khởi nghĩa Bạch Liên giáo, dù vậy, vẫn tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn. Bởi nó làm lộ ra sự yếu kém và hủ bại của lực lượng quân đội chính quy (Bát kỳ, Lục Doạnh) của triều đình, khiến quốc khố cạn kiệt và phân tán quyền lực quân sự cho các quân đoàn địa phương, những bước đầu tiên trên con đường diệt vong của nhà Thanh.

Không thể đặt Vương Thông Nhi bên cạnh Hoa Mộc Lan

Vương Thông Nhi, trong nhiều đánh giá của các Học giả hiện đại, mang hình ảnh một nữ anh hùng hơn là kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn chống lại triều đình. Thậm chí, nhiều ý kiến đã so sánh Vương Thông Nhi với nữ anh hùng trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc – Hoa Mộc Lan.

Dù đều là những nữ nhân anh dũng vô song, võ nghệ cao cường nhưng giữa Vương Thông Nhi và Hoa Mộc Lan có sự khác biệt rất rõ ràng về xuất phát điểm. Động lực chiến đấu và từ đó trở thành một nữ nhân bất khuất trên chiến trường của Hoa Mộc Lan là lòng hiếu thảo với cha. Nàng tòng quân trước hết vì thương cha, không muốn cha già phải tham gia chiến trận. Và Hoa Mộc Lan khi giao chiến cũng là đánh địch để bảo vệ giang san bờ cõi nước nhà.

Vương Thông Nhi, dẫn đầu một nghĩa quân hùng mạnh nhưng lại là chống lại triều đình đang trị vị Trung Quốc dù đó có là một triều đình hủ bại thì hành động của nàng cũng khác xa so với Mộc Lan. Chưa kể, Vương Thông Nhi còn được cho là lấy việc chung để trả thù cho cái chết của chồng.

TẦM HOAN (SHTT)