Báo SCMP đưa tin, Chính Phụng (Zheng Feng), hiện đang là phó giáo sư tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh (BUPT) đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội sau khi có ít nhất 15 sinh viên gửi đơn tố giác người này. Hiện Chính Phụng đã bị tạm đình chỉ việc giảng dạy trên trường đại học cũng như việc dạy thêm tại nhà.
Theo đó, ngày 9/4 vừa qua, một bức thư ngỏ dài 23 trang trong đó tố cáo việc nữ phó giáo sư đang giảng dạy môn công nghệ xử lý tín hiệu số và truyền thông không dây đã đưa rất ít hướng dẫn nghiên cứu cho sinh viên. Thay vào đó, bà bắt sinh viên mua đồ ăn sáng, dọn nhà, nhận hàng, đưa đón bạn bè và gia đình bà, cũng như giúp con gái bà làm bài tập về nhà và bài kiểm tra. Sinh viên còn bị ép giúp con gái bà gian lận trong các kỳ thi.
Ngoài ra, người nữ giảng viên này còn ép các sinh viên phải ở trong phòng thí nghiệm hơn 10 tiếng mỗi ngày, thậm chí còn bắt họ tham gia các cuộc họp sau 22h. Trường hợp có bất cứ ai phàn nàn, Phụng sẽ đe dọa đuổi họ ra khỏi dự án nghiên cứu hoặc khiến cho họ không thể tốt nghiệp, SCMP cho hay.
"Cô ấy đối xử với chúng tôi như nô lệ. Nhiều thứ không liên quan đến việc nghiên cứu học tập đang chiếm nhiều thời gian của chúng tôi. Đi kèm với đó là những lần chúng tôi bị lăng mạ và cả lạm dụng", bức thư ngỏ có đoạn viết.
Ngoài ra, trong 23 trang giấy mà bức thư được công bố còn cho công chúng biết thêm về việc hầu hết các sinh viên đều được chẩn đoán bị mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý như lo âu và trầm cảm.
Bức thư sau khi được công bố đã nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội đại lục. Sau khi nhận được thông tin, trường đại học đã giáng chức và cấm bà Zheng dạy kèm. Những sinh viên bị ảnh hưởng đã được tham vấn tâm lý.
Những câu chuyện bạo lực học đường không phải là hiếm ở Trung Quốc. Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, một giáo sư khác là Hoàng Phi Nhược (Huang Feiruo) làm việc tại Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, cũng đã bị 11 nghiên cứu sinh và tiến sĩ cáo buộc ông gian lận trong học thuật và bóc lột sinh viên. Vị giảng viên sau đó đã bị nhà trường sa thải ngay lập tức.
Nhưng vụ việc như của Chính Phụng hay Phi Nhược đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên cộng đồng mạng Trung Quốc về vấn những vấn đề bất cập giữa gia sư đại học và sinh viên.
Tại hầu hết các nơi, giảng viên cấp cao ở trường đại học như giáo sư hay phó giáo sư thường là người trực tiếp đánh giá điểm tốt nghiệp của sinh viên, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến việc xét duyệt tấm bằng ra trường của họ.
Lợi dụng việc này, một số giảng viên luôn đối xử với sinh viên của mình không khác gì như là người giúp việc. Hành động nhanh chóng của BUPT được coi là một bước đi tích cực nhưng nhiều người tin rằng cần phải có những thay đổi mang tính hệ thống hơn nữa.
“Có ai chưa từng bị giảng viên dọa không ký vào bằng tốt nghiệp chưa?” một cư dân mạng cho biết và nói thêm: “Trải nghiệm như vậy đối với tôi đã rất quen thuộc. Mặc dù tôi đã tốt nghiệp được gần một năm nhưng đọc câu chuyện điều này tôi vẫn thấy buồn nôn.”
“Giảng viên có quá nhiều quyền lực. Khi nào điều này sẽ thay đổi?” một người khác hỏi.
QT (SHTT)