Nữ du học sinh ở Úc và cú sốc phải ngủ chung giường với nam giới

02/07/2023 14:15:00

“Đó chắc chắn không phải là điều tôi mong đợi khi lần đầu tiên đến Úc”, nữ du học sinh người Ấn Độ quả quyết.

Priyanka (tên đã được thay đổi) là một du học sinh 19 tuổi ở Úc. Mỗi đêm, cô ngủ trên giường trong một căn nhà chung cư ở ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria.

Nhưng vào ban ngày, chiếc giường có thêm sự hiện diện của một người khác. Đó là người đàn ông là tài xế xe tải chuyên làm việc ca đêm.

Cách chung giường để giảm tiền thuê nhà ấy được gọi với cụm từ "hot-bedding".

Họ, 2 người xa lạ đều đến từ Ấn Độ, chia đôi khoản tiền thuê 550 USD (tương đương gần 13 triệu VNĐ) mỗi tháng cho một phòng. Những người thuê khác trong nhà đều là nam giới. Họ cũng làm tài xế xe tải và đến từ Ấn Độ.

Nữ du học sinh ở Úc và cú sốc phải ngủ chung giường với nam giới
Chiếc giường mà Priyanka chia sẻ với người đàn ông lạ.

Priyanka nói: “Đó chắc chắn không phải là điều tôi mong đợi khi lần đầu tiên đến Úc. Chi phí sinh hoạt ở đây là một cú sốc khủng khiếp và chưa bao giờ được đề cập bởi các nhà môi giới du học ở Ấn Độ”.

Tờ tin tức SBS News dẫn nguồn dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Úc cho biết chi phí sinh hoạt ở Úc, được đo lường hàng tháng theo Chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng 5,6% trong 12 tháng tính đến tháng 5 năm 2023.

Giá thuê nhà đã tăng 6,3% trên toàn quốc trong năm qua. Tại Melbourne, giá thuê trung bình hàng tuần cho một căn hộ 2 phòng ngủ rộng 85 m2 ở khu vực trung bình có giá 425 USD (tương đương 10 triệu VNĐ). Nếu ở Sydney, bạn có thể phải trả thêm 36%, ở mức 578 USD (tương đương 13,6 triệu VNĐ).

Priyanka cho biết ngoài tiền thuê nhà, cô còn phải chật vật xoay tiền để mua thức ăn và chi phí đi lại. Ngoài ra, vào một số ngày cuối tuần, cô thậm chí không có giường để ngủ.

“Khi anh ấy không phải đi lái xe, ngôi nhà toàn con trai, tôi đành phải chui vào nhà kho nằm. Có một chỗ nhỏ để kê một cái đệm và tôi ngủ trong đó”, cô nói.

Nữ du học sinh ở Úc và cú sốc phải ngủ chung giường với nam giới - 1
Priyanka nói rằng cô rất vất vả để trả tiền thuê nhà.

Ban đầu, Priyanka đăng ký học ngành y tá toàn thời gian tại một trường đại học ở Melbourne và làm việc theo ca bình thường trong một kho hàng. Tuy nhiên, cô cho biết mình đã mất việc từ hồi tháng 3 năm nay sau khi giới hạn giờ làm việc của sinh viên quốc tế được công bố.

Cô bỏ học một phần do căng thẳng về chi phí nhà ở.

Priyanka sẽ bắt đầu học ngành khác trong vài tuần tới và tìm kiếm một công việc ổn định, nhưng theo giới hạn có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1 tháng 7, cô sẽ chỉ có thể làm việc tương đương 24 giờ một tuần (khoảng 3 ca).

Trước đây, ở Úc, sinh viên quốc tế bị giới hạn 40 giờ mỗi 2 tuần khi học nhưng giới hạn này đã tạm thời được dỡ bỏ trong đại dịch COVID-19 để giải quyết tình trạng thiếu lực lượng lao động. Các nhà chức trách sẽ khôi phục các hạn chế với thời gian cao hơn là 48 giờ mỗi 2 tuần. Không có giới hạn đối với sinh viên trong nước.

Khi công bố quyết định vào đầu năm nay, các Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Úc cho biết các giới hạn này được đưa ra nhằm cân bằng giữa nhu cầu làm việc và học tập của sinh viên.

“Sinh viên quốc tế đến Úc để học”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Clare O'Neil, trước đây đã nói. “Họ đến đây bằng thị thực sinh viên và họ muốn được hưởng một nền giáo dục chất lượng tốt ở đất nước chúng ta, và họ sẽ không thể làm được điều đó nếu đang làm việc toàn thời gian. Đó là lý do tại sao quy tắc đã tồn tại từ trước".

Trong số 600.000 sinh viên quốc tế theo học năm nay, gần 90.000 đến từ Ấn Độ, tăng 27% so với năm trước. Hàng nghìn người khác dự kiến sẽ đến vào tháng 7 để bắt đầu một học khóa đại học mới.

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần

Priyanka đã phải chia sẻ giường với người lạ trong vài tháng và nói rằng nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô rất nhiều.

“Lúc nào tôi cũng căng thẳng và lo lắng. Thậm chí không có một nơi yên bình để ngả đầu và thư giãn trong khi việc học cũng thật tồi tệ”.

Cô không dám kể với gia đình mình ở Ấn Độ về tình hình của mình vì cả nhà đã hy sinh để cô được đi du học ở Úc.

Nữ du học sinh ở Úc và cú sốc phải ngủ chung giường với nam giới - 2
Người sáng lập VicWise, cô Manorani Guy, ở Melbourne.

“Bố mẹ tôi đã thế chấp ngôi nhà của họ, vay một khoản lớn và cắt giảm chi phí sinh hoạt cơ bản để đủ khả năng cho tôi đến đây”, cô nói.

Trong năm qua, chi phí sinh hoạt tăng cao đã vượt quá số tiền mà gia đình cô chu cấp. “Nếu tôi nói với mẹ tôi rằng tôi khó khăn như thế nào thì bà sẽ lo lắng mà khóc. Tôi thậm chí còn chưa nói với mẹ rằng tôi đang phải ngủ chung giường với người lạ vì bà không đủ sức để chịu đựng cú sốc như vậy".

Người hỗ trợ sinh viên Manorani Guy đang nói chuyện với Priyanka để tìm giải pháp cho hoàn cảnh của cô. Cô Manorani là người sáng lập và chủ tịch của Nhóm Công tác Victoria về Khả năng Việc làm cho Sinh viên Quốc tế, được gọi là VicWise.

Manorani nói rằng Priyanka không phải là trường hợp cá biệt.

Cô nói: “Nhiều người mới đến bị sốc bởi chi phí sinh hoạt ở Úc. Chúng tôi hứa hẹn rất nhiều thứ với những sinh viên này để đưa họ đến đây, nhưng không ai nói về những rào cản: Tiền thuê nhà cao, chi phí sinh hoạt tăng cao và giờ đây là những hạn chế về công việc”.

Một cuộc khảo sát hồi năm 2021 của Đại học Bách Khoa Úc cho biết, trong số 7.000 sinh viên quốc tế ở Sydney và Melbourne, hơn 3% đã phải trải qua cảnh "hot-bedding" và 40% không có bữa ăn. Cuộc khảo sát được thực hiện trước khi gần 2/3 du học sinh tại Úc bị mất việc làm trong đại dịch Covid-19.

Cô Manorani dự đoán việc áp dụng lại giới hạn giờ làm thêm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng về nhà ở đối với nhiều sinh viên quốc tế.

“Điều kiện dành cho sinh viên quốc tế đã rất khắc nghiệt và sẽ còn tàn bạo hơn nữa”, cô nói. “Nếu không còn có chuyện làm 3 ca mỗi tuần thì điều đó đồng nghĩa với việc các ngôi nhà chung quá đông đúc và gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần”.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Úc, Phil Honeywood, ủng hộ việc áp dụng lại giới hạn giờ làm nhưng nói rằng cần có nhiều nhà ở dành cho sinh viên với giá cả phải chăng hơn.

"Chúng tôi đang làm việc thông qua một số diễn đàn chính sách để chuyển đổi một số tòa nhà văn phòng và nhà trọ thành căn hộ cho sinh viên, cũng như chuẩn bị sẵn sàng một số dự án trong khuôn viên trường hoặc gần khuôn viên trường, càng sớm càng tốt".

Ông cũng có lời nhắc nhở này dành cho các gia đình muốn gửi con đến học tập tại Úc, rằng: "Trước khi bạn nhận được thị thực du học đến Úc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, bạn phải chứng minh rằng bạn có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng của mình để chi trả tiền thuê nhà, thức ăn và các chi phí sinh hoạt khác".

Kêu gọi kéo dài thời gian làm việc

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giới hạn giờ làm là ngành khách sạn, nơi sử dụng hàng ngàn sinh viên.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống của Úc, Suresh Manickam, cho biết lĩnh vực này đang phải vật lộn để đối phó với chi phí điện, sản xuất và tiền thuê ngày càng tăng.

Nữ du học sinh ở Úc và cú sốc phải ngủ chung giường với nam giới - 3
Manorani Guy nói chuyện với Priyanka ở Melbourne.

Ông nói: “Ngày 1 tháng 7 còn quá sớm để áp dụng những giới hạn giờ làm việc. "Và lý do chính là chúng ta vẫn còn thiếu kỹ năng quốc tế. Luồng sinh viên đến Úc sẽ không thể lấp đầy sự thiếu hụt này, vì giới hạn về số giờ mà sinh viên có thể làm việc".

Để giảm bớt áp lực cho các chủ nhà hàng, ông Manickam đang kêu gọi Chính phủ Úc điều chỉnh giờ làm việc của nhân viên khách sạn, nhân viên chăm sóc người già. Họ nên được làm việc không giới hạn số giờ cho đến ngày 31 tháng 12 năm nay.

Ông nói: “Chúng tôi cũng đang yêu cầu chính phủ liên bang xem xét lại giới hạn cho công việc khách sạn trong thời gian 6 tháng".

Tháng trước, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Úc cho biết Chính phủ đã công nhận sự đóng góp quan trọng của các sinh viên quốc tế đối với xã hội nước này.

Người phát ngôn nhắc lại ý kiến của bà O'Neil, nói rằng: "Chính phủ Úc coi 48 giờ mỗi 2 tuần là sự cân bằng hợp lý giữa công việc và học tập".

Là một phần của các yêu cầu đối với thị thực sinh viên, sinh viên phải chắc chắn rằng họ có đủ tiền để trang trải cho thời gian ở Úc, bao gồm chi phí sinh hoạt, khóa học và chi phí đi lại.

Về phần Priyanka, cô hy vọng tình trạng cuộc sống hiện tại của mình sẽ sớm chấm dứt.

Theo Minh Nhật (Phụ Nữ Việt Nam)

Nổi bật