Theo 60 Minutes Australia, bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, có thể đã mất tích, chỉ hai tuần sau khi cô trả lời phỏng vấn của People, chỉ trích ban quản lý bệnh viện vì bác bỏ những cảnh báo sớm về nCoV.
Việc không tìm thấy bác sĩ Ai được khui ra cùng lúc chính phủ Trung Quốc bị tố cáo nói dối và che đậy thông tin xung quanh đại dịch. Ban đầu, Bắc Kinh được cho là cố gắng che đậy sự bùng phát của dịch bệnh bằng cách phạt những nhân viên y tế phát hiện sớm, rồi sau đó phủ nhận việc virus có thể lây từ người sang người và trì hoãn phong toả các khu vực bị ảnh hưởng - làm giảm cơ hội kiểm soát nhanh Covid-19.
Trong cuộc phỏng vấn trước khi biến mất, bác sĩ Ai cho biết cô 'hối hận vì không truyền đi nhiều thông tin hơn' sau khi bốn đồng nghiệp của cô, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng, đã bị nhiễm bệnh và qua đời. "Nếu tôi biết trước chuyện xảy ra, tôi sẽ không quan tâm đến lời khiển trách. Tôi sẽ nói với bất cứ người nào, chỗ nào tôi muốn", bác sĩ Ai nói.
Trước đó, vào ngày 30/12/2019, Ai nhận được báo cáo của một bệnh nhân được dán nhãn "SARS coronavirus". Cô kể rằng mình đã toát mồ hôi khi đọc đi đọc lại kết quả thí nghiệm bởi dịch SARS 17 năm trước đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người trên toàn thế giới và lấy đi mạng sống của hơn 800 người.
Nữ bác sĩ nhanh chóng quanh tròn chữ SARS và gửi ảnh chụp bản báo cáo cho một trong những bạn học cũ và một nhóm chat trong khoa của cô. Ai Fen cũng báo cho chính quyền về vụ việc. "Sau buổi tối hôm đó, nội dung được chia sẻ khắp nơi kèm ảnh chụp màn hình báo cáo khoanh tròn màu đỏ của tôi, trong đó có nhóm chat mà Lý Văn Lượng đã chia sẻ thông tin. Lúc đó tôi đã nghĩ chuyện tồi tệ có thể sắp xảy ra".
Hai ngày sau, Ai bị người đứng đầu Ủy ban kiểm tra kỷ luật của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán triệu tập. Cô cho biết phải đối mặt với "những khiển trách vô cùng gay gắt, chưa từng có" và bị các quan chức bệnh viện buộc tội "truyền bá tin đồn".
Ai nói trong cuộc phỏng vấn với People: "Tôi bị sốc. Tôi đã làm gì sai nào? Khi biết có một loại virus đáng sợ được tìm thấy trên bệnh nhân, sao tôi có thể nói rằng mình không biết khi có một bác sĩ khác hỏi chứ?". Sau cuộc họp với ban lãnh đạo, Ai về nhà và nói với chồng rằng anh có thể sẽ phải một mình nuôi con nếu có chuyện gì xảy ra với cô.
Bác sĩ khoa mắt Lý Văn Lượng là một trong số 8 người đã chia sẻ ảnh của bác sĩ Ai trước khi bị cảnh sát khiển trách và cáo buộc truyền bá tin giả vì cảnh báo người dân về "dịch SARS tại chợ hải sản Vũ Hán" trên mạng xã hội. Vị bác sĩ 34 tuổi sau đó lây bệnh từ bệnh nhân và qua đời hồi đầu tháng 2.
Bác sĩ Ai nói cô không nghĩ đến bản thân khi tiết lộ thông tin này. Ai nói: "Tôi chính là người đã tiết lộ sớm về virus. Vụ việc này cho thấy rằng mọi người cần có ý chí độc lập, cần người bước lên để nói ra sự thật. Và thế giới cần thêm nhiều tiếng nói khác nữa".
Bài gốc về buổi phỏng vấn của Ai trên People đã bị xoá ngay sau khi đăng tải nhưng người dùng mạng đã copy, chụp lại được màn hình và chia sẻ không ngừng. Tuy nhiên, để tránh bị kiểm duyệt gỡ bài, họ phải dùng các biểu tượng để che chữ hoặc cố tình gõ sai chính tả.
Hiện không ai biết bác sĩ Ai Fen ở đâu và mọi nỗ lực liên lạc với cô đều thất bại. Tuy nhiên, theo tài khoản truyền thông xã hội của Ai Fen, cô dự kiến xuất hiện trong một cuộc họp trực tuyến vào 2/4. Tờ 60 Minutes Australia cho biết sẽ cập nhật tình hình nếu Ai Fen xuất hiện.
Theo Tùng Anh (Ngoisao.net)