Cuối tháng 1/2021, thông báo về một loại vaccine phòng Covid-19 vượt qua thử nghiệm lâm sàng với tỉ lệ hiệu quả 70% xuất hiện mạnh mẽ trên trang nhất các tờ báo của Mỹ, và thỉnh thoảng lại hiện thông báo trên hàng triệu chiếc điện thoại của người Mỹ.
Đến cuối tháng 6, Novavax - một công ty công nghệ sinh học tại Maryland (Mỹ) thông báo vaccine của họ hiệu quả lên đến 90% trong thử nghiệm với các biến chủng Covid. Đây là một kết quả đáng kinh ngạc, khi ngay cả Pfizer và Moderna (2 loại vaccine hiệu quả nhất hiện nay) cũng bị giảm tác dụng khi đối mặt với những biến chủng mới như Delta.
Nhưng bất chấp như vậy, lần này truyền thông lại im lặng.
Thời đại của mARN?
Sự khác biệt nằm ở tính thời điểm. Với 3 loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp của FDA, nước Mỹ đã ngập chìm trong vaccine - theo tờ New York Times thông báo. Xét trên nhiều góc độ, đây là một nhận xét đầy thực tế. Nếu FDA - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - không thấy cần thiết, Novavax sẽ khó lòng xuất hiện tại thị trường Mỹ trong nhiều tháng tới, khi nguồn cung vaccine hiện đã vượt cầu ở quốc gia này.
Nhưng vấn đề nằm ở sự chênh lệch thông tin và những sai lệch về nhận thức. Việc Pfizer và Moderna xuất hiện quá sớm đã tạo ra một sự tung hô về "thời đại của mARN" (công nghệ đứng sau 2 vaccine này) với tiềm năng vượt xa quy mô của đại dịch. Một số tờ báo gọi đây là một điểm sáng trong lịch sử vaccine, có khả năng "thay đổi công nghệ sinh học vĩnh viễn". Dựa trên các báo cáo về việc vaccine dùng công nghệ mRNA tỏ ra hiệu quả nhất đến thời điểm hiện tại, thật dễ dàng để cho rằng đây là công nghệ tốt nhất chúng ta đang có.
Có điều, sự tỏa sáng của Pfizer và Moderna đã làm che mờ đi một số sự thật cơ bản. 2 loại vaccine dùng công nghệ mARN là những loại đầu tiên vượt qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng, nhưng đó là nhờ những quản lý hết sức nghiêm ngặt. Vào lúc này, đó là 2 loại vaccine có giá khá đắt và tương đối khó để sản xuất hay phân phối so với vaccine truyền thống. Hơn nữa, tác dụng phụ lại phổ biến hơn và có phần nghiêm trọng hơn.
Mặt khác, số liệu của Novavax xác nhận rằng có thể đạt được hiệu quả tương đương với 2 loại vaccine mARN, nhưng sử dụng công nghệ quen thuộc và dễ tin tưởng hơn. Để dễ hình dung, Pfizer và Moderna có hiệu quả lần lượt là 95% và 94% trong thử nghiệm giai đoạn 3, trong khi Novavax là 96% ở giai đoạn 1, và lên tới 90% khi phải đối mặt với biến chủng Covid.
Sự chênh lệch về lợi thế
Theo tác giả Hilda Bastian của The Atlantic, sự thành công của vaccine trong đại dịch chưa bao giờ chỉ phụ thuộc vào công nghệ. Chúng ta cần một loại vaccine tốt, nhưng để đưa nó ra thị trường một cách nhanh chóng, cần phải có một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, đồng thời phải đặt trong bối cảnh virus lây lan đủ rộng và đúng thời điểm. Thậm chí ngay cả khi ứng viên vaccine thể hiện tốt, nếu không thử nghiệm nó trong một đợt dịch lớn, sẽ phải đợi rất lâu mới thu thập đủ bằng chứng để làm báo cáo.
Thời điểm của những nghiên cứu như vậy là rất quan trọng trong thực tiễn. Giai đoạn thử nghiệm 3 của Pfizer và Moderna diễn ra vào thời điểm cuối mùa hè năm 2020, nghĩa là họ đón đầu làn sóng lây nhiễm khổng lồ vào mùa thu. Trong khi đó Novavax hoàn tất thử nghiệm tại Mỹ và Mexico vào tháng 2/2021 - thời điểm ca nhiễm đã giảm mạnh. Riêng điều này thôi đã góp phần định hình kết quả rất nhiều, dù không liên quan đến bản thân chất lượng vaccine.
Chiến lược cũng là một yếu tố quan trọng. Để chiến thắng trong cuộc đua vaccine, một công ty cần sản xuất một loại vaccine chất lượng trong thời gian ngắn và với số lượng khủng. Họ cũng gặp thách thức khi phải đối đầu với vô số các chính sách khác nhau trên thế giới. Và tất cả đều phải thực hiện song song cùng thời điểm.
BioNTech - công ty đứng sau công nghệ mARN của Pfizer đã không đạt được những thành tựu ấy một mình. Tháng 10/2020, CEO của công ty - ông Uğur Şahin cho biết BioNTech đã tìm đến Pfizer để tăng quy mô thử nghiệm cần thiết và xin được cấp phép. Đó là một bước hợp tác chiến lược, chứ không đơn giản chỉ là "thời đại của mARN" như những gì truyền thông đã tung hô. Còn Moderna, họ hưởng lợi nhờ hợp tác với Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ.
Thử nghĩ về điều này: BioNTech-Pfizer đã ký thử nghiệm trên người vào ngày 30/4/2020 - cùng ngày với thử nghiệm trên người của Novavax nhưng họ chỉ có 1 mình. Trong một vũ trụ khác, nếu Novavax kết hợp với một đối tác lớn mạnh, câu chuyện có thể hoàn toàn khác biệt.
Việc 2 loại vaccine dùng công nghệ mARN thành công quá sớm đã thu hút sự chú ý, khiến mọi người lờ đi kết quả của các ứng viên vaccine khác chậm chân hơn và không thành công bằng dù dùng chung công nghệ. Như cuối tháng 6, Novavax thông báo vaccine dùng công nghệ mARN sản xuất bởi công ty CureVac của Đức cho hiệu quả rất kém khi thử nghiệm giai đoạn 3 (dưới 50% so với mức tối thiểu do WHO và FDA đặt ra).
"Kết quả nghiên cứu đã khiến giới khoa học cảm thấy giật mình," - trích trong bài viết của The New York Times. CureVac là một công ty được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ, được tỷ phú công nghệ Elon Musk tuyên bố sẽ hỗ trợ tự động hóa để sản xuất vaccine hàng loạt. Nhưng rốt cục, vaccine mARN của CureVac không mang lại kết quả hứa hẹn.
So sánh công bằng?
Sự thất bại của CureVac là minh chứng rõ rệt cho cái được giới dịch tễ học gọi là "thiên vị cho kẻ sống sót" - một dạng thiên hướng chỉ nhìn vào ví dụ tốt để làm nền tảng cho giả thuyết đặt ra. Khi Pfizer và Moderna thành công, tờ Washington Post đã có bài viết cho rằng vụ đặt cược vào công nghệ "nhanh nhưng rủi ro" là mARN đã được đền đáp bằng một bước tiến đột phá. Tiến sĩ Anthony Faucy gọi đây là "thành công vượt bậc".
Nhưng mọi phân tích đều bỏ qua một thực tế rằng không có bất kỳ vaccine sử dụng công nghệ truyền thống nào được đưa ra thử nghiệm nhanh như vậy, cũng như việc có những loại vaccine mARN khác gặp rắc rối như thế nào.
Với CureVac, chúng ta thấy được rằng chỉ vài công thức mARN tỏ ra vượt trội về hiệu quả so với số còn lại. Để dễ tính toán, có 9 vaccine mARN được thử nghiệm trên động vật vào tháng 5/2020, 6 trong số đó vượt qua và dự tính đem đi thử nghiệm lâm sàng. Đến cuối năm 2020, chỉ Pfizer, Moderna và CureVac đến được giai đoạn 3, so với 13 loại vaccine sử dụng công nghệ khác.
Và giờ dựa trên kết quả hiện tại, trong 9 ứng viên vaccine mARN được thử nghiệm trên động vật vào giữa năm 2020, chỉ 2 loại đạt hiệu quả để sản xuất, trong khi có tới 9 loại vaccine dùng công nghệ truyền thống đạt được cột mốc tương đương.
Và cũng là thực tế, những loại vaccine dùng công nghệ khác với mARN đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Trong khi đó dù tại Mỹ đang có dư các liều Pfizer và Moderna, nhu cầu tiêm chủng lại đang giảm xuống. Báo cáo của Washington Post hồi tháng 6 tại 10 bang chỉ ra rằng có dưới 35% người Mỹ trưởng thành được tiêm vaccine. Theo một nghiên cứu quốc tế về thông tin sai lệch của vaccine hồi tháng 5, trong số các tin đồn lan truyền có cả những nguy hiểm do công nghệ mARN mang lại, như "gây biến đổi gene ở người".
CDC dĩ nhiên đã không để yên, mà đứng ra dẹp bỏ hết những tin đồn liên quan đến việc vaccine gây biến đổi gene. Thế rồi vaccine của Johnson & Johnson xuất hiện, với nền tảng là một công nghệ "mới nhưng không quá mới" như mARN. Dẫu vậy, những tin đồn lại xuất hiện, khiến hy vọng về một loại vaccine "không làm người Mỹ sợ" tiêu tan.
Vì lẽ đó, sự thành công của Novavax đáng lẽ nên là một tin cực nóng của truyền thông. Các kết quả gần đây cho thấy hiệu quả của Novavax là tương đương với 2 loại vaccine mARN "xịn xò" nhất, trong khi có lợi thế là sử dụng một công nghệ cũ hơn, quen thuộc hơn là tiếp cận tiểu đơn vị protein. Đây là công nghệ được Novavax sử dụng cho vaccine ngừa viêm gan B từ năm 1986. Vaccine ho gà - mũi tiêm được yêu cầu cho toàn bộ trẻ em tại các trường công Hoa Kỳ - cũng là từ công nghệ này. Nói cách khác, những người sợ vaccine mARN có thể thấy Novavax là một cứu cánh thực sự.
Mặt khác, vaccine của Novavax lại cho tỉ lệ tác dụng phụ thấp hơn. Số liệu cho thấy 40% người được tiêm vaccine Novavax cảm thấy mệt mỏi sau mũi thứ 2, so với 65% của Moderna và 55% của Pfizer. Dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đợt 1, các tác dụng phụ khác của Novavax cũng ít phổ biến và ở dạng nhẹ hơn.
Đây là một yếu tố khá quan trọng với những người làm công ăn lương theo giờ, khi họ vốn đã phải chịu nhiều rủi ro nhiễm Covid hơn, cũng như ít có khả năng chịu tiêm chủng vì rủi ro không thể làm việc do tác dụng phụ của thuốc - một rào cản lớn để thuyết phục người dân tiêm chủng.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa rằng vaccine mARN không tốt. Pfizer và Moderna đã trở thành cứu tinh của đại dịch, đưa chúng ta vào thời kỳ vàng của việc phát triển vaccine. Nhưng ngay cả những chuyên gia tài năng nhất đôi khi cũng trở nên thiên vị, đánh giá quá cao một phương pháp và hạ thấp những kẻ còn lại. Ngành dược phẩm, nhìn chung, chẳng khác gì một canh bạc.
Dẫu vậy, dựa trên những gì chúng ta có lúc này, Novavax với công nghệ cũ hơn lại cho hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn. Nó chính là vaccine Covid-19 tốt nhất nhân loại đang sở hữu hiện nay.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)