Phụ nữ ở lưu vực hồ Chad phải bán dâm để sống qua ngày sau khi cuộc nổi dậy của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đẩy hàng triệu người vào cảnh mất nhà cửa và trẻ em bị chết đói.
Theo ICRC, bạo lực đã khiến hơn 2,4 triệu người tại lưu vực hồ Chad – nằm ở biên giới Chad, Cameroon, Niger và Nigeria – phải di tản. Cuộc sống của hàng trăm ngàn người khác cũng bị ảnh hưởng.
Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người không nhận được viện trợ nhân đạo kể từ cuộc nổi dậy của Boko Haram bất chấp lực lượng quân đội trong khu vực đẩy mạnh chiến dịch truy quét nhóm Hồi giáo này. “Những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng và sống trong vô vọng” - người đứng đầu phái đoàn ICRC ở Cameroon, Simon Brooks, cám cảnh.
Một số bà mẹ ở lưu vực hồ Chad đảm đương trọng trách nuôi sống gia đình bởi chồng họ chết trong các cuộc xung đột. Nhiều người buộc phải bán dâm để lấy tiền trang trải cuộc sống.
“Khi bạn không còn cách nào để tồn tại, bạn phải cầu xin. Dù làm vậy là mất nhân cách nhưng bạn không còn lựa chọn nào khác để giúp con bạn không bị chết đói” – ông Brooks phân tích.
Phụ nữ ở lưu vực hồ Chad phải bán dâm để sống qua ngày. Ảnh: PREMIUM TIMES |
Thảm họa đang diễn ra ở lưu vực hồ Chad là một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng và bị lãng quên nhất năm 2016, theo một cuộc thăm dò của Reuters. Mọi người đang chú ý đến các cuộc chiến ở Iraq, Syria, vấn đề người tị nạn, nhập cư trên toàn thế giới nên thảm họa nói trên bị lu mờ.
Mặc dù hơn 7 triệu người trong khu vực đang thiếu ăn nhưng các tổ chức viện trợ khó tiếp cận để trợ giúp vì những cuộc xung đột chết người vẫn đang diễn ra ở đó. Ông Brooks dự đoán khoảng 500.000 đứa trẻ suy dinh dưỡng có thể tử vong nếu không được hỗ trợ kịp thời.
“Khu vực này bị bỏ bê hàng thập kỷ nay. Nếu tiếp tục thiếu kinh phí, hàng triệu người sẽ tiếp tục sống trong đau khổ” – ông Brooks cảnh báo.
Trong một diễn biến khác, hơn 800 cô gái ở Tanzania hồi tháng trước bị cắt xén âm vật (FGM) liên quan tới các nghi lễ rùng rợn ở quốc gia này. Quan chức địa phương Glorious Luoga thông báo 12 phụ nữ nghi thực hiện nghi lễ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục nữ đã bị bắt khi cảnh sát điều tra vụ việc.
“Các hoạt động của cảnh sát vẫn đang diễn ra. Chúng tôi sẽ trấn áp mạnh tay cho đến khi tất cả thủ phạm bị bắt và bị buộc tội” – Reuters dẫn lời ông Luoga cho biết.
Hủ tục FGM ảnh hưởng đến 140 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở châu Phi, một phần Trung Đông và châu Á. Đây là nghi lễ tiến hành trước khi một cô gái bước vào giai đoạn hôn nhân, cũng là phương thức “bảo toàn sự trinh trắng”.
Có đến 7,9 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở Tanzania được cho là đã trải qua FGM. Riêng ở khu vực Tarime, các thiếu nữ từ 12-17 tuổi thường trải qua nghi lễ này trong điều kiện kém vệ sinh.
Theo P.Nghĩa (Nld.com.vn)