Theo CNN, trong ngày 25/7 vừa qua, công ty năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt giảm lượng khí đốt cung cấp hàng ngày qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu xuống còn 33 triệu mét khối, tương đương 20% công suất đường ống.
Các quan chức Mỹ cho rằng, đây là một động thái nhằm trả đũa lại các lệnh trừng phạt kinh tế, và nó cũng đặt các nước EU vào một "hoàn cảnh chưa từng có", khi không có sự đảm bảo về nhiên liệu để vượt qua mùa đông.
Nhằm đối phó với tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra, Nhà Trắng đã cử Đặc phái viên an ninh năng lượng Amos Hochstein đến châu Âu vào ngày 26/7. Ông Hochstein sẽ tới Paris và Brussels để thảo luận về kế hoạch dự trữ khí đốt với lực lượng đặc nhiệm năng lượng của Mỹ-EU được thành lập vào tháng 3 năm nay.
"Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi đã thành hiện thực, vấn đề của EU có thể làm gia tăng giá khí đốt và giá điện tại Mỹ ngay lúc này. Đây cũng là một phép thử nặng đô về sự đoàn kết và khả năng phục hồi của các nước châu Âu, khi không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ dừng 'hoạt động đặc biệt' ở Ukraine", một quan chức Mỹ cho biết.
Trước đó, Mỹ đã đề nghị các thành viên EU thông qua một thỏa thuận tiết kiệm khí đốt và dự trữ cho mùa đông. Tới ngày 26/7 (giờ địa phương), EU đã nhất trí được kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15%, với một số nước ngoại lệ như đảo Síp, Malta, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Theo thỏa thuận, các nước sẽ cắt giảm tiêu thụ trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. Một số quan chức cho biết Hungary là nước duy nhất phản đối.
Bên cạnh việc giảm tiêu thụ khí đốt, các cuộc thảo luận về việc gia tăng sản lượng điện hạt nhân ở châu Âu để bù đắp tình trạng thiếu hụt cũng đang được tiến hành. Một quan chức năng lượng Đức tiết lộ, nước này đang muốn loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Tuy vậy, các quan chức Mỹ đang thuyết phục Berlin kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
"Hành động hạn chế nguồn cung khí đốt của Nga đã gây áp lực lên thị trường, tăng giá nhiên liệu và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu. Những hành động này chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch mà Mỹ và Ủy ban châu Âu đang thực hiện để chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh của mình, ngay cả khi Moscow sử dụng khí đốt như một vũ khí chính trị và kinh tế", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia năng lượng e ngại rằng, việc cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu, cũng như việc Mỹ đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là không đủ đề bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn cung của Nga.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)