Con trai vẫn gọi cô là bố ở nhà, còn ở chỗ làm, cô trông thật nam tính trong bộ đồ công sở. Chỉ có điều, con người ấy mang trong mình "một bí mật nhỏ".
Xã hội Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều quan điểm cổ hủ, thế nên, cô buộc phải che giấu thân phận mới và không muốn tiết lộ tên tuổi hay nghề nghiệp vì sợ rủi ro.
"Tìm tôi rất dễ, tôi có thể mất việc", cô giải thích. Theo tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại khu vực châu Á Catalyst, ước tính có khoảng 4 triệu người chuyển giới ở Trung Quốc, và họ phải đối mặt với sự kỳ thị nặng nề.
Từ lâu, trong văn học và nghệ thuật Trung Quốc xuất hiện nhiều nhân vật có giới tính mơ hồ. Mặc dù luật pháp cho phép phẫu thuật chuyển giới, nhưng tình dục đồng giới lại bị coi là bệnh tâm thần, và nó chỉ được gỡ bỏ khỏi luật năm 2001.
Những người công khai chuyển giới phải đối mặt với nguy cơ bị gia đình từ bỏ, hoặc bị ép phải kết hôn và sinh con đẻ cái.
"Tôi lấy vợ lúc vẫn mang cơ thể đàn ông, và nghĩ rằng có thể sống với cô ấy mà không cần thay đổi bản thân về mặt thể chất".
"Vợ tôi không bận tâm tôi chuyển giới thành nữ. Cô ấy là người nhà quê. Tính cách của chúng tôi cũng không hòa hợp, nhưng cả hai đều muốn kết hôn".
Cô nói rằng, mình không muốn sinh con và làm bố, nhưng gia đình ép cô có con. Cô vẫn chung sống với vợ sau khi chuyển giới, vì lợi ích của con trai.
"Tôi nói với con trai 9 tuổi rắng: 'Bố có một bí mật nhỏ - bố không phải là đàn ông'", cô nói. "Thằng bé vẫn chưa đủ tuổi để hiểu thấu và ngượng ngùng về điều này".
Lo lắng
Hiện cô đang cố giúp những người cùng hoàn cảnh, bằng cách điều hành một trang mạng trực tuyến ở quê nhà Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, kết nối những người chuyển giới với các chuyên gia như bác sỹ, nhà tâm thần học, và luật sư chuyên về ly hôn.
"Khi cố gắng giải quyết những vấn đề riêng, tôi dần xây dựng được môi trường an toàn xung quanh mình", cô nói, trong một cuộc hội thảo tại trung tâm LGBT ở Bắc Kinh. LGBT là viết tắt tiếng Anh của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (Lesbian, Gay, Bisexsual và Transgender).
"Chỉ cần bạn đủ dũng cảm và nói ra khó khăn của mình. Nếu bác sĩ này chưa hiểu bạn, hãy đi tìm người khác, cho đến khi tìm được mới thôi".
Vấn đề về người chuyển giới được đưa ra thảo luận bất thường ở Trung Quốc vào năm ngoái, khi nhà tình dục học nổi tiếng nhất quốc gia này, Lý Ngân Hà tuyên bố bà đã sống 17 năm với một người sinh ra là nữ nhưng chuyển giới thành nam, coi người đó là "chồng" và nhấn mạnh, bà là người dị tính.
Lý Ngân Hà và chồng (đội mũ). Ảnh: China Pictorial. |
Đôi vợ chồng này xuất hiện trên một tạp chí quốc gia, và trang mạng của báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng: "Tôn trọng sự lựa chọn của những người như Lý Ngân Hà, là tôn trọng chính mình".
Cùng với sự thành công của Kim Tinh, vũ công chuyển giới từ nam sang nữ, thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình quốc gia, những phản hồi về vợ chồng Lý Ngân Hà cho thấy, thái độ về người LGBT đang dần thay đổi.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bác sĩ và các nhà tâm thần học, chưa biết cách cư xử với người chuyển giới, Xin Ying, giám đốc điều hành trung tâm LGBT ở Bắc Kinh cho biết.
Những người chuyển giới thay đổi hình dạng khuôn mặt khiến họ khó tìm việc, gặp khó khăn trong điều trị y tế, hoặc thậm chí là gặp rắc rối khi đi lại bằng tàu hỏa, Xin nói. Đó là bởi vì, chưa có thủ tục pháp lý phù hợp để thay đổi thông tin trên thẻ chứng minh nhân dân.
Joanne Leung, nhà hoạt động vì người chuyển giới ở Hong Kong kêu gọi khán giả trong cuộc hội thảo đừng mất hy vọng.
"Trước khi làm phẫu thuật chuyển giới, tôi tưởng rằng không ai yêu tôi, và tôi sẽ phải cô đơn đến chết. Nhưng tôi đã nhầm", Leung nói.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra e ngại, trong đó có Fang Yuran, một diễn giả khác tại hội thảo sinh ra là nữ, và đang định chuyển giới thành nam. Cô cho biết, chỉ mới nói với gia đình rằng bản thân là đồng tính nữ, chứ chưa nói ý định chuyển giới, vì e ngại phản ứng của người thân.
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)